Tìm giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19
Theo chuyên gia, cần có giải pháp riêng cho thị trường bất động sản; trong đó cần tháo gỡ trở ngại lớn nhất là pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, giải phóng mặt bằng.
Ngày 12/6 tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19.”
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội; trong đó, đặc biệt gây khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bộ Xây dựng đề xuất 2 nhóm giải pháp chính.
Giải pháp cấp bách trước mắt liên quan đến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Còn về giải pháp lâu dài, Bộ Xây dựng tiếp tục ra soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen kẹt, mở rộng hình thức cho vay vốn tại ngân hàng nước ngoài để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết bên cạnh đó, Bộ cũng sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và các Thông tư, Nghị định liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực đề xuất, cần thực hiện nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ. Đồng thời có 6 động lực tăng trưởng thay thế (bổ sung) cần phát huy, khai thác như thúc đẩy xuất khẩu các thị trường tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử.
Về trung và dài hạn vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến bất động sản; đề án chiến lược quản lý và phát triển thị trường bất động sản; bài toán quy hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin - bất động sản số; thiết chế quản lý và nguồn nhân lực vận hành thị trường bất động sản.
"Bản thân các doanh nghiệp cần tập trung vào 4 nội dung là người lao động, quản lý tài chính, khách hàng và đối tác; đồng thời xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số; tăng cường kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị… Con người và công nghệ là 2 đột phá chiến lược," ông Lực phân tích.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhận định, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái "hôn mê" mà khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động chính sách của Chính phủ.
Một số phân khúc cơ bản như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền, chung cư cao cấp, shop house có thể phục hồi sớm ngay sau khi kinh tế phục hồi. Các phân khúc khác như văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn.
Các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản nói chung, kể cả các chủ trương về phát triển cơ sở hạ tầng, khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp cũng như việc cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi luật pháp...
Tuy nhiên vẫn cần có giải pháp riêng cho thị trường bất động sản; trong đó cần tháo gỡ trở ngại lớn nhất là pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục chuyển mục đích sử dụng...
"Để khắc phục tình trạng bất cập, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục, có chế tài xử lý minh bạch và thực hiện liên tục trong vài năm" - ông Nghĩa nhấn mạnh./.