Tìm giải pháp quản lý hiệu quả các tấm quang năng tại các cơ sở sản xuất điện mặt trời

Ngày 27/11/2023 Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo 'Giải pháp quản lý các tấm quang năng thải bỏ tại các cơ sở sản xuất điện mặt trời'.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi thảo luận xây dựng định hướng các chính sách, quy định về quản lý thu gom tái chế và xử lý các tấm quang năng hết niên hạn.

Hội thảo là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý chia sẻ thông tin, các kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về thực trạng cũng như những giải pháp để quản lý, xử lý, tái chế các tấm quang năng sau khi hết giá trị sử dụng, nhằm hạn chế tối đa các tác động tới môi trường và xã hội, thúc đấy phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.

Quản lý các tấm quang năng thải bỏ không đúng quy cách có thể phát sinh những vấn đề môi trường

Phát biểu tại Hội thảo bà Đỗ Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương (Cục ATMT) cho biết, phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời là định hướng lớn nhằm chuyển đổi năng lượng bền vững, góp phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm tỷ trọng các nguồn năng lượng hóa thạch một cách phù hợp, đáp ứng các cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

Bà Đỗ Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo.

Bà Đỗ Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo.

Bà Dung cho biết, pin điện mặt trời (hay còn gọi là các tấm quang năng) thải bỏ đã được Bộ Công Thương nhận diện, đánh giá là một vấn đề cần phải quan tâm giải quyết cùng với quá trình phát triển loại hình năng lượng tái tạo này. Cụ thể trong Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020), Bộ Công Thương xác định việc đánh giá tác động tới môi trường, xã hội của các dự án năng lượng nói chung và dự án điện mặt trời nói riêng là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện.

Kết quả từ Hội thảo góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả từ Hội thảo góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế, mặc dù hiện nay việc phát sinh các tấm quang năng thải bỏ còn thấp. Tuy nhiên, theo dự báo sơ bộ cho thấy khối lượng các tấm quang năng này tích lũy trong giai đoạn từ 2021 - 2030 là khoảng 118 nghìn tấn, và giai đoạn 2031 - 2045 là khoảng 686 nghìn tấn và có thể thay đổi nhiều theo thực tế phát triển các dự án điện mặt trời trong thời gian tới. Do vậy, theo bà Đỗ Phương Dung việc phân tích, đánh giá hiện trạng và hệ thống chính sách pháp luật hiện hành và giải pháp quản lý, xử lý, tái chế các tấm quang năng là vô cùng cần thiết nhằm có các giải pháp phù hợp trong thời gian tới, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.

Tham luận tại hội thảo Viện Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, các tấm quang năng cuối vòng đời hiện được coi là chất thải nguy hại trừ khi thành phần chứa vật liệu nguy hiểm được loại bỏ và xử lý đúng cách. Lượng thải của tấm quang năng hiện tại Việt Nam còn thấp: chỉ khoảng 0,002 0,04 % tấm PV bị lỗi, hỏng.

Tuy nhiên các nhà máy giữ lại các tấm quang năng bị lỗi cùng với các chất thải điện tử khác tại cơ sở hoặc giao cho các đơn vị quản lý chất thải được cấp phép để xử lý như chất thải nguy hại. Đôi khi các tấm hỏng được sử dụng cho các mục đích khác như làm hàng rào, mái chuồng trại chăn nuôi hoặc bán cho những người thu gom rác thải không chính thức…Nếu việc quản lý các tấm quang năng thải bỏ không đúng quy cách này có thể sẽ phát sinh những vấn đề môi trường và xã hội…

Thực tế các quốc gia trên thế giới đều đã có chính sách quản lý vòng đời các tấm quang năng điện, nhiều nước đang bắt đầu áp dụng luật dành riêng cho chất thải điện mặt trời. Cụ thể như Luật tại Châu Âu, Úc, Châu Á và Bắc Mỹ đã có hiệu lực hoặc sắp ban hành nhiều nước dựa trên khung Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR), các nhà sản xuất có trách nhiệm đảm bảo việc thu hồi và xử lý sản phẩm của họ một cách an toàn… Ở EU cũng đưa ra các mục tiêu thu hồi cho tấm quang năng rất cao lên đến hơn 60%...

Nên tích hợp thực hành tốt chất thải điện tử vào nền kinh tế tuần hoàn

Tại Hội thảo Viện Năng lượng đã phân tích khá chi tiết về những nội dung quan trọng trong quản lý pin mặt trời hết niên hạn như: hiện trạng công nghệ tái chế, triển khai thương mại, kỹ thuật tái chế, những thách thức và kinh nghiệm quốc tế…Từ đây, Viện Năng lượng đưa ra nhiều tham vấn như đề xuất nên sử dụng thuật ngữ phù hợp thay vì gọi là chất thải điện tử (coi như là rác) thì nên thống nhất con đây là phế thải điện tử (có thể tái chế tái sử dụng, tuần hoàn quay lại như nguyên liệu cho sản xuất).

Các nghiên cứu từ Viện Năng lượng chỉ ra trong lĩnh vực này nên tích hợp thực hành tốt chất thải điện tử vào nền kinh tế tuần hoàn với các cam kết của các bên liên quan như: Doanh nghiệp, Chính phủ, Người dân; không chỉ đơn thuần quản lý vấn đề chất thải điện tử, sự bền vững đòi hỏi phải ngăn chặn nó ngay từ đầu. Trong đó ưu tiên tái sử dụng Quản lý các thành phần nguy hại trong sản phẩm Loại bỏ các kỹ thuật chế biến nguy hại; Bảo vệ hành tinh Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; Bảo vệ người lao động và cộng đồng; Toàn bộ vòng đời chứ không chỉ đến hết niên hạn sử dụng…

Khuyến nghị Các giải pháp quản lý tấm quang điện mặt trời: Phân loại chất thải và xây dựng các hướng dẫn cho quá trình tháo dỡ các tấm quang điện; Điện mặt trời cần tuân thủ quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Hạn chế chôn lấp và đốt chất thải điện mặt trời; Các kênh hỗ trợ phân đoạn đến các cơ sở xử lý thích hợp đảm bảo tận dụng được vật liệu , hạn chế vận chuyển và tận dụng được các công nghệ sẵn có; Đồng thời Phân luồng dòng chất thải đến hạ tầng hiện có đối với các cấu kiện có thể phục hồi ở Việt Nam và tăng cường các quy chuẩn kỹ thuật cho tái chế và phục hồi; Khuyến khích phát triển các công nghệ tái chế để thu hồi các vật liệu chiến lược có trong các nhà máy mặt trời Đảm bảo các quy định thương mại hài hòa đối với việc di chuyển chất thải xuyên biên giới; Kế hoạch hành động và các bước tiếp theo để quản lý cuối vòng đời dự án cho các nhà máy điện gió và mặt trời…

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc thiết lập hệ thống thu hồi, xử lý và tái chế các tấm quang năng thải bỏ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành và địa phương do liên quan đến công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, các khu xử lý chất thải tập trung, công nghệ xử lý, tái chế, các quy định về quản lý chất thải công nghiệp, v.v. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong quá trình xử lý vấn đề này.

Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc của địa phương và doanh nghiệp…trong quản lý các tấm quang năng điện mặt trời hết giá trị sử dụng. Kết quả từ Hội thảo góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để Cục An toàn Môi trường tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn.

Phan Vi

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/tim-giai-phap-quan-ly-hieu-qua-cac-tam-quang-nang-tai-cac-co-so-san-xuat-dien-mat-troi-114232.htm