Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khu bảo tồn biển
Các khu bảo tồn biển và Vườn Quốc gia rất cần được hỗ trợ cả về tài chính lẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực để có thể thực hiện được các nhiệm vụ được giao.
Sáng ngày 24/3, hội thảo "Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam" đã diễn ra tại Khách sạn Quinter Central, Nha Trang.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Hội thảo nhằm nhìn ra các khó khăn về công tác bảo tồn biển để có những biện pháp thực tế. Bởi nếu không có bảo tồn, hệ sinh thái mất đi sẽ không có nghề cá.
Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội nghề cá, cũng nhấn mạnh chính Khu bảo tồn biển là nơi bảo vệ, lưu giữ nguồn lợi sinh vật biển tự nhiên. Vì vậy, khai thác phải gắn liền với bảo vệ để bảo đảm nguồn lợi thủy sản bền vững.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, đã nhấn mạnh sự quan trọng của các Khu bảo tồn biển tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn về nhân sự, văn phòng làm việc cũng như quỹ bảo tồn.
Kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương”. Trong bối cảnh nhận thức về kinh tế biển xanh còn chưa đầy đủ, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, môi trường biển bị thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Ngày càng nhiều chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa, không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển làm gia tăng mức độ ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản.
Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển…
Hệ thống các khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế ở địa phương lâu dài.Tuy nhiên, trên thực tế các khu bảo tồn biển và Vườn Quốc gia rất cần được hỗ trợ cả về tài chính lẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực để có thể thực hiện được các nhiệm vụ được giao cũng như có thể chủ động hơn trong công tác bảo tồn.
Bài và ảnh: Khuê Việt Trường