Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Đại diện hội viên nông dân, doanh nghiệp đặt câu hỏi, nêu kiến nghị tại buổi đối thoại. Ảnh: NGỌC HÂN

Với chủ đề “Sản xuất nông nghệp bền vững theo liên kết chuỗi giá trị”, mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức buổi đối thoại, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, nhiều nhóm vấn đề được hội viên nông dân, chủ doanh nghiệp và HTX đặt ra như: vướng mắc trong tổ chức các chuỗi liên kết sản xuất; chính sách hỗ trợ nông dân và ưu tiên vốn vay; thị trường tiêu thụ sản phẩm và chứng nhận, xây dựng nhãn mác, thương hiệu đối với những nông sản an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ hạ tầng trong dự án liên kết theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND…

Nơi bày tỏ băn khoăn, vướng mắc

Tại buổi đối thoại, ngay sau khi nghe Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Xuân Hạnh gợi mở các vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp - nông dân - nông thôn hiện nay, ông Huỳnh Hữu Cơ, nông dân ở huyện Tuy An đã nêu vấn đề: “Tôi thấy hầu hết người dân địa phương sống bằng nghề trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, là thành viên của HTX nông nghiệp, tôi muốn HTX liên kết với các hộ nông dân để cung cấp giống lúa, phân bón, kỹ thuật… và thu mua lúa của người dân đã ký hợp đồng. Vậy làm sao để tôi nhận được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước?”.

Trực tiếp tham gia buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thọ, nông dân ở TX Sông Cầu, hỏi: “Tôi có tàu đánh bắt cá ngừ đại dương nhưng lâu nay không có đơn vị nào ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá cả không ổn định. Tôi muốn liên kết đánh bắt cá ngừ đại dương và bán theo chuỗi giá trị thì phải làm sao? Cơ quan nào trực tiếp hỗ trợ vấn đề này?”.

Còn ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa), bày tỏ: “HTX của chúng tôi muốn triển khai dự án liên kết sản xuất trồng ớt (có đầu tư giống, phân bón, không tập huấn, có ký hợp đồng mua ớt) quy mô 20ha/xã, để bán cho một công ty. Như vậy có phù hợp không? Cơ quan nào sẽ hướng dẫn, phê duyệt dự án hỗ trợ?”.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân, doanh nghiệp cũng đã đề nghị tỉnh cần có giải pháp cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp; kiểm soát chất lượng cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, các vấn đề về bình ổn giá vật tư nông nghiệp, ổn định giá thành sản phẩm, tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có chính sách hỗ trợ nông dân… đã được Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh giải đáp với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cầu thị.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Ngoài đối thoại, hai đơn vị còn tổ chức buổi tọa đàm xung quanh chủ đề “Sản xuất nông nghiệp bền vững theo liên kết chuỗi giá trị”, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Phú Yên đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận là doanh nghiệp, HTX và người dân chưa đi vào chiều sâu để có thể xây dựng một dự án sản xuất theo chuỗi liên kết đem lại hiệu quả cao. “Hiện toàn tỉnh đã hình thành 24 chuỗi liên kết do các tổ chức, đơn vị thực hiện nhưng chưa có chuỗi liên kết nào được phê duyệt thực hiện theo quy định của Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND”, bà Thủy cho biết.

Thảo luận tại hội nghị, ông Đặng Kim Ba, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho hay: Để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường chuyển đổi số, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Các địa phương tạo điều kiện cho nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín và chuỗi liên kết chế biến sâu, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.

ThS Nguyễn Thị Thanh Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT, chia sẻ: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Vì vậy, để việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nông dân, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp: quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho vùng nguyên liệu; xây dựng cơ chế hỗ trợ trong hoạt động liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ…

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), bày tỏ: Thời gian qua, HTX được hỗ trợ phát triển, quảng bá, góp phần lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu “Khóm Đồng Din”. Tuy nhiên, HTX còn gặp khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, chưa thể đầu tư đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Vì vậy, cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho HTX để tạo nguồn lực kinh tế tập trung mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298289/tim-giai-phap-thao-go-kho-khan-trong-san-xuat-tieu-thu-san-pham.html