Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp phải làm gì để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh? Các cơ quan chức năng cần triển khai những giải pháp nào để giảm tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm trong giai đoạn hiện nay? Để tìm lời giải, chiều 29-6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

Quang cảnh hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

1,4 triệu lao động mất việc làm

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng lao động trong độ tuổi bị thiếu việc, mất việc làm cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Ước tính, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập…

Số lao động bị mất việc làm thời gian qua là 1,4 triệu người, trong đó số người bị mất việc làm do doanh nghiệp phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất, kinh doanh là gần 900 nghìn người, tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, bán buôn, bán lẻ, vận tải… Số lao động bị mất việc làm gia tăng, dẫn đến số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến, với hơn 565 nghìn người đã nộp hồ sơ trong 6 tháng đầu năm, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019…

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm lại rất thấp, ước tính cả nước giải quyết việc làm cho 540 nghìn người lao động, đạt 36,5% kế hoạch...

Phân tích rõ hơn tình hình, ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó ban Dân sự (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) cho hay, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Hàng không chỉ có khoảng 20% lao động đi làm thường xuyên; 80% phải nghỉ việc luân phiên. Hiện nay, số lao động đi làm toàn thời gian của ngành mới đạt khoảng 50%; dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 65% trong quý III.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho biết, dù khó khăn, người lao động vẫn được trả lương tối thiểu.

Chủ động tránh lãng phí nhân lực

Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho biết, mức doanh thu của Tổng công ty Du lịch Hà Nội trong 6 tháng qua chỉ đạt 9% kế hoạch năm 2020, nhiều khách sạn phải đóng cửa. Tuy vậy, đơn vị này vẫn cố gắng duy trì đủ lực lượng lao động bằng cách cho họ tạm nghỉ việc, giảm giờ làm, nhưng vẫn được hưởng mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; đồng thời được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Bên cạnh đó, Tổng công ty Du lịch Hà Nội tìm hướng đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều vị trí việc làm mới cho người lao động.

Tương tự, Tổng công ty May 10 chủ động tìm các đơn hàng mới để chuyển hướng sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới. Nhờ đó, đến thời điểm này, đại đa số người lao động Tổng công ty May 10 vẫn có việc làm toàn thời gian.

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trợ giúp cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh hoặc để trả lương ngừng việc cho người lao động. Người lao động có cơ hội tiếp cận với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cùng các nguồn hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, rất ít doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Trước thực trạng này, đại diện các doanh nghiệp thống nhất kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết quý III-2020… Ngoài ra, các đơn vị, địa phương tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ ghi nhận, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ đó đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Bộ đã có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/971367/tim-giai-phap-thao-go-kho-khan-ve-lao-dong-viec-lam-cho-doanh-nghiep