Tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Trong ngày làm việc thứ nhất của Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa VIII, qua nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022, thay mặt bà con cử tri, nhiều đại biểu HĐND tỉnh chia sẻ những khó khăn trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển.

ĐẠI BIỂU HUỲNH LỮ TÂN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, BÍ THƯ THÀNH ỦY TUY HÒA: Tăng cường phòng chống tội phạm

Từ đầu năm đến nay, tình hình QP-AN, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường, giữ vững ổn định. Lực lượng vũ trang duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu từ tỉnh đến cơ sở, bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh. Đồng thời triển khai hiệu quả các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tội phạm ma túy đáng báo động, nhất là trên địa bàn TP Tuy Hòa. Đồng thời, sự xuất hiện của tội phạm công nghệ cao phức tạp, tín dụng đen với nhiều hình thức ngày càng tinh vi, kèm theo đó là đòi nợ thuê, tội phạm giết người, tiềm ẩn phức tạp khiến người dân lo lắng.

Chính vì vậy, trong thời gian đến, đề nghị tỉnh có sự chỉ đạo, có những giải pháp mạnh mẽ, căn cơ và đồng bộ hơn để trấn áp các loại tội phạm; tập trung thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp, đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật tài sản, tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường, tội phạm và tệ nạn đánh bạc, cho vay nặng lãi...

TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH ĐẶNG THỊ HỒNG NGA: Sớm tổ chức thi tuyển, xét tuyển biên chế viên chức giáo viên

Một trong những vấn đề Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh quan tâm, đó là công tác GD-ĐT. Thời gian qua, công tác này được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT với quy mô trường, lớp các cấp học, bậc học đảm bảo nhu cầu học tập của người dân.

Tuy nhiên, việc bố trí, quản lý kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đảm bảo; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn thiếu nguồn lực nên đạt tỉ lệ thấp; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, các chế độ chính sách cho giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt khó khăn trong công tác tuyển sinh... Đặc biệt, toàn tỉnh hiện còn thiếu 1.393 biên chế; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ và công tác y tế học đường còn một số bất cập so với định biên giáo viên, nhân viên.

Trước tình hình đó, đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức thi tuyển, xét tuyển biên chế viên chức giáo viên để bổ sung nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng nhu cầu giảng dạy và làm việc theo đề án Vị trí việc làm đã được phê duyệt; tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo dục trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định và tình hình thực tế hiện nay; sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ theo quy định; triển khai kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu để đạt chất lượng, số lượng trường chuẩn quốc gia; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo quy định từ nay đến 2025; tập trung chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khung vị trí việc làm đối với giáo viên mầm non đảm bảo theo quy định, nhất là bố trí biên chế giáo viên cho trẻ mầm non 3-4 tuổi...

GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT NGUYỄN TRỌNG TÙNG: Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo nhóm sản phẩm, từng lĩnh vực sản xuất

Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nền kinh tế từng bước ổn định, phục hồi và có mặt phát triển. Lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản cơ bản ổn định, tổng giá trị sản xuất ước tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 0,19%, lâm nghiệp tăng 26,3% và thủy sản tăng 8,4%…

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là chủ trương lớn, tuy nhiên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhất là các yếu tố tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường… Sở NN-PTNT đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo từng lĩnh vực sản xuất, đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả nhóm các giải pháp….

Trước mắt, cơ cấu lại ngành này theo 2 nhóm sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Đối với sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tỉnh sẽ tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ứng dụng KH-CN, cơ giới hóa gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Có chính sách, giải pháp mở rộng quy mô, chất lượng thương hiệu sản phẩm để tham gia vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện. Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, ưu tiên lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế, phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

ĐẠI BIỂU VÕ THỊ MAI PHƯƠNG, BÍ THƯ HUYỆN ĐOÀN TUY AN: Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu cho thanh niên

Trong kết quả về phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022, tôi và nhiều cử tri rất vui khi được biết, trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã đào tạo ngắn hạn cho hơn 3.600 người; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đến nay ước đạt 72,85%. Nếu như cuối năm 2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 3,4% thì 6 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ này chỉ còn khoảng 2,6%, trong đó khu vực thành thị là 2,5%, khu vực nông thôn là 2,7%.

Trước bối cảnh cạnh tranh về lao động và việc làm ngày càng diễn ra mạnh mẽ, công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề, nhất là đối tượng thanh niên cần phải được quan tâm triển khai hiệu quả hơn nữa nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đất nước. Tôi kiến nghị, trung ương, địa phương và các cấp, ngành cần đẩy mạnh triển khai các biện pháp tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp, có chính sách sử dụng nhân lực sau đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, có cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để tạo đầu ra cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giao cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của chính họ. Đồng thời quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm trọng điểm thuộc hệ thống đoàn thanh niên, qua đó tạo điều kiện để đoàn thanh niên tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp nói chung và trong tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng.

NGỌC CHUNG - THÙY THẢO - KIỀU MY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/280924/tim-giai-phap-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien.html