Tìm giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 938
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 938.
Tọa đàm có sự tham gia của hơn 60 đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Tổ trưởng, Tổ phó Tổ triển khai Đề án cấp huyện; 6 xã điểm của tỉnh, 9 xã điểm của huyện/thành phố.
Đề án 938 về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/6/2017.
Sau khi tiếp thu Đề án, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 15/3/2018 về thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang". Thời gian thực hiện Đề án 10 năm, được chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2017-2021), giai đoạn 2 (2022-2027). Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn I (2017-2021) với 6 nhóm chỉ tiêu đều đạt và vượt so kế hoạch, đồng thời rút ra những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án cho giai đoạn tiếp theo.
Từ năm 2022 đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ, phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới cho nhóm đối tượng đạt gần 70% so với tổng số cha, mẹ có con dưới 16 tuổi; duy trì 965 mô hình tổ, nhóm, CLB hoạt động hiệu quả với 19,825 thành viên như: Ngôi nhà an toàn, Tổ an toàn, Gia đình hạnh phúc, Gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã thu hút sự quan tâm và tích cực tham gia của hội viên phụ nữ và người dân; tổ chức tập huấn, hướng dẫn được tổ chức 44 lớp, cho trên 2.000 lượt cán bộ, công chức tham gia; hằng năm Ban Chỉ đạo tỉnh có kế hoạch kiểm tra Tổ triển khai đề án cấp huyện và cơ sở; trong 2 năm (2022-2023) cấp tỉnh, huyện, xã được bố trí ngân sách hơn 765 triệu đồng để thực hiện Đề án.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe báo cáo Đề dẫn nêu rõ những kết quả nổi bật và những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương. Ban Tổ chức Tọa đàm đã tiếp thu và lắng nghe ý kiến 14 tham luận (6 tham luận trực tiếp tại buổi tọa đàm, 8 tham luận đại biểu nghiên cứu qua văn bản; 5 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường). Hầu hết ý kiến được đại biểu tham gia trao đổi tích cực, thảo luận tìm ra nguyên nhân hạn chế, vướng mắc vừa qua, đồng thời đề xuất được các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Tọa đàm đã giúp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp tập trung chỉ đạo nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch Đề án giai đoạn 2022-2027.