Tìm hiểu đời sống cư dân thời vua Hùng qua những di vật ở di chỉ Vườn Chuối

Vườn Chuối là khu di chỉ khảo cổ lưu giữ những dấu tích văn hóa của các giai đoạn Gò Mun, Đồng Đậu, Phùng Nguyên, và đặc biệt nhất là còn lại rất nhiều dấu tích của thời kỳ văn hóa Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Qua những di vật được tìm thấy ở đây, có thể thấy được phần nào đời sống, xã hội của cư dân thời Hùng Vương.

Mộ táng thời Đông Sơn ở Vườn Chuối.

Mộ táng thời Đông Sơn ở Vườn Chuối.

Vườn Chuối là khu di chỉ khảo cổ lưu giữ những dấu tích văn hóa của các giai đoạn Gò Mun, Đồng Đậu, Phùng Nguyên, và đặc biệt nhất là còn lại rất nhiều dấu tích của thời kỳ văn hóa Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Qua những di vật được tìm thấy ở đây, có thể thấy được phần nào đời sống, xã hội của cư dân thời Hùng Vương.

Vườn Chuối thuộc địa phận xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho nên việc còn tồn tại những dấu tích của con người và xã hội thời kỳ các vua Hùng ở khu vực này là một điều đặc biệt. Nói như nhà nghiên cứu PGS. TS Nguyễn Văn Huy, hiếm có một thủ đô nào trên thế giới còn lưu giữ được những dấu tích của những nền văn hóa cách ngày nay từ 2.500-3.000 năm như vậy.

Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối năm 2019 của các nhà khoa học Viện Khảo cổ học cho biết, Vườn Chuối có đặc trưng nổi bật là khu di chỉ cư trú. Các cuộc khai quật từ trước đến nay đã phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Nhiều loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc... thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn đã được phát hiện ở đây.

Những di vật, di tích được phát hiện ở đây cho thấy các cư dân cổ nơi này đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao các nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải... Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề trồng lúa nước. Những mảnh xương trâu bò, lợn... cho biết về nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước của cư dân Vườn Chuối. Nghề chài lưới, bắt cá được phản ánh qua những viên chì lưới bằng đất nung và những lưỡi câu đồng... Việc khai thác lâm thổ sản được thể hiện qua những mảnh tre, gỗ... được chế tác thành công cụ, còn giữ lại được cho nên nay nhờ lớp đất bùn đáy ao.

GS.TS khảo cổ Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), người tham gia trực tiếp dự án khảo cổ ở di chỉ Vườn Chuối cho biết, đã từng có nhiều nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn nói chung, về diện mạo cư dân cổ thời Đông Sơn, nhưng ở những phát hiện khảo cổ mới tại Vườn Chuối, có thể nhận thấy khó một nơi nào lại có được sự diễn tiến liên tục về văn hóa trên một mặt bằng như vậy, mặc dù trước đây nhiều nghiên cứu cũng đã từng chỉ ra cư dân Đông Sơn có tính chất kế thừa từ các giai đoạn trước. Người Đông Sơn thực ra đã tái lựa chọn những nơi ở của cư dân các thời kỳ trước đó, tức là đã biết tận dụng tất cả các điều kiện, môi trường tự nhiên và xã hội. Cũng như những giai đoạn sau, người ở những giai đoạn sau thường lựa chọn môi trường của người ở những giai đoạn trước, tức là đã có một quá trình tích lũy lâu dài những kinh nghiệm về phong thủy, môi trường sống...

GS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, cư dân Đông Sơn không những kế thừa mà còn có những cách xử lý mặt bằng rất tốt. Những cư dân ở các giai đoạn trước còn sống dựa vào địa hình: địa hình cao thì ở theo kiểu cao, địa hình thấp thì ở theo kiểu thấp. Nhưng đến giai đoạn của người Đông Sơn, địa hình thấp đã được xử lý tài tình bằng cách sử dụng các kỹ thuật như đầm nền, tôn cao các mặt bằng, tất nhiên có dựa trên các gò đất, các lớp phù sa được bồi đắp. Theo GS, họ đã biến những điều kiện không thuận lợi lắm thành những điều kiện thuận lợi để sinh sống. Vì sang giai đoạn văn hóa Đông Sơn, mặt bằng cư trú cần phải mở rộng do dân số tăng lên. Họ đã biết cách vừa tận dụng nơi cư trú cũ, đồng thời xử lý thêm phần mặt bằng cho phù hợp. Họ có xu thế xuống vùng đất trũng hơn, tôn cao mặt bằng để trồng lúa.

Đối với giai đoạn Đông Sơn, các ngành nghề thủ công đã được kế thừa một cách hết sức nhuần nhuyễn và phát triển lên một đỉnh cao mới, từ nghề đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm, cho đến chế tác các đồ trang sức... Qua lớp văn hóa Đông Sơn ở Vườn Chuối, có thể thấy những kỹ năng của người ở các giai đoạn trước cũng đã được người thời Đông Sơn kế thừa và phát triển lên rất nhiều. Nhờ những tư liệu ở Vườn Chuối cũng như những tư liệu ở các vùng khác nữa, chúng ta có thể biết được thêm về phong tục tập quán của họ, như chôn người chết như thế nào, đời sống sinh hoạt xã hội ra sao, có những ngành nghề kinh tế chính nào...

Vườn Chuối cũng được xem là trung tâm về phía tây của giai đoạn thời đại kim khí nếu tính Hoàng thành Thăng Long là điểm giữa, trong đó có giai đoạn Đông Sơn, một trung tâm rất lớn và còn được bảo tồn tương đối tốt. Điều này cho thấy rõ ràng sự lựa chọn về nơi ở, về đời sống, xã hội... của người Đông Sơn khá liên tục, kế thừa lẫn nhau. Quan trọng hơn, giai đoạn Đông Sơn ở đây có từ cả giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Đồng thời có sự kết hợp, tiếp nối giữa phần bản địa của văn hóa Đông Sơn với những giai đoạn văn hóa muộn hơn, thể hiện trong các loại hình mộ táng, di vật... không có sự đứt gãy. Khi có sự tiếp xúc văn hóa mới, người ta còn học thêm nhiều các kỹ thuật, khi đó xuất hiện gốm tráng men, các đồ đồng mang dáng dấp Đông Sơn nhưng cũng có ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài.

Những gì còn lại ở Vườn Chuối không chỉ cho chúng ta những diễn biến lịch sử đã trải qua ở đây, mà còn như một cuốn sách giúp người đời sau hiểu thêm về không gian sinh tồn, về các phong tục tập quán, ngành nghề, lối sống của người xưa, đặc biệt là của cư dân thời Hùng Vương...

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/tim-hieu-doi-song-cu-dan-thoi-vua-hung-qua-nhung-di-vat-o-di-chi-vuon-chuoi-642800/