Tìm hiểu những điều vẫn còn ít người biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự các buổi diễn thuyết của Marcus Garvey, 'cha đẻ' của phong trào 'Trở về châu Phi' ở Mỹ và là một hình tượng truyền cảm hứng cho các nhà vận động nhân quyền sau này.
“Chúng ta sẽ nói về một cây bút của những năm 1920 rất quan tâm đến sinh mạng của người da màu, đến việc bảo vệ và cứu vớt họ. Tác giả đã ghi chép về những hoàn cảnh tồi tệ mà người da màu trải qua ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Tên của Người là Hồ Chí Minh.”
Đó là lời mở đầu trong chương trình phát thanh The Taylor Report mới đây của Phil Taylor, một chương trình thường đàm luận về các chủ đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình.
Sau khi đọc cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” do Giáo sư Nguyễn Đài Trang, Chủ tịch Hội Canada-ASEAN, Đại học York (Toronto, Canada) sưu tầm, tuyển chọn, ông Phil Taylor vô cùng ngạc nhiên khi biết Bác Hồ đã từng đến Boston, New York, Madagascar, Paris… - những trải nghiệm để Bác nhận ra mối liên quan giữa chủ nghĩa thực dân và nạn phân biệt chủng tộc.
Ông Phil Taylor cũng bất ngờ khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự các buổi diễn thuyết của Marcus Garvey, “cha đẻ” của phong trào “Trở về châu Phi” ở Mỹ và là một hình tượng truyền cảm hứng cho các nhà vận động nhân quyền sau này.
Những thông tin trong cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” thật sự là tư liệu quý và mới mẻ đối với nhiều nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Ông Phil Taylor cho biết ở Bắc Mỹ có rất nhiều tài liệu tham khảo về Hồ Chí Minh, nhưng hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, đến cuộc kháng chiến do Hồ Chủ tịch lãnh đạo và Người đã trở thành một nhân vật thần thoại.
Những tài liệu này chỉ nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong một khung thời gian - đó là những năm 1960.
Đây chính là một trong những lý do thôi thúc Giáo sư Nguyễn Đài Trang ngày đêm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, cho ra đời những tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Lào) để bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động của Bác.
Cuốn sách đầu tiên của Giáo sư Nguyễn Đài Trang viết về Bác là “Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một nhà yêu nước” ra đời năm 2010 (tiếng Anh và Việt) nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giáo sư Nguyễn Đài Trang cho biết: “Sau khi hoàn thành 4 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 10 năm, tôi vẫn trăn trở với việc đưa hình ảnh của Bác đến gần hơn với độc giả trên khắp thế giới.
Khi phong trào Black Lives Matter bùng nổ mạnh tại nhiều nơi sau cái chết của công dân Mỹ da màu George Floyd, tôi đọc lại các bài viết của Bác về châu Phi hồi đầu những năm 1920, nhất là cuốn Chủng tộc da đen năm 1925, và các bài viết năm 1960 về mối liên quan giữa phong trào đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi và cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Tôi hết sức xúc động khi nhận ra rằng những gì Bác viết cách đây 100 năm vẫn mang tính thời sự. Nhiều độc giả phương Tây cũng có cùng tâm trạng như vậy khi đọc cuốn 'Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc' xuất bản tháng 2/2021 tại Canada. Họ thấy được tầm nhìn xuyên suốt của Bác và nhận ra vai trò quan trọng của Bác trong phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước châu Phi, cũng như tình hữu nghị mà các hội đoàn người Mỹ gốc Phi, các tổ chức chống chiến tranh của Mỹ và Canada dành cho Bác.”
Ông Phil Taylor thán phục: “Hồ Chí Minh hiểu về lịch sử Mỹ còn hơn cả nhiều người dân Mỹ. Nếu Hồ Chí Minh vẫn sống ở Mỹ, thì Người đã là một phần trong cuộc đấu tranh của người da màu.”
Cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả Canada, trong bối cảnh vẫn còn những thách thức rất thực tế liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc tại một xã hội được đánh giá là cởi mở này, nơi sự đa dạng và hòa nhập vốn được cho là nền tảng của bản sắc quốc gia.
Xúc động tâm sự với phóng viên TTXVN, Giáo sư Nguyễn Đài Trang không giấu nổi niềm vui và tự hào khi cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” được bạn bè Canada hào hứng đón nhận.
Cuốn sách như tấm lòng thơm thảo của một người con nước Việt tuy sống xa Tổ quốc, nhưng tâm hồn và trái tim luôn gửi trọn nơi quê nhà, kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người./.