Tìm hiểu tại sao nước giàu nhiễm COVID-19 nhiều hơn nước nghèo
Các nhà khoa học đang nghiên cứu liệu vaccine ngừa lao BCG, bại liệt, sởi - quai bị - rubella có ngừa được COVID-19?
COVID-19 đã xuất hiện nhiều tháng, làm hơn 2 triệu người nhiễm bệnh, trong đó hơn 134.000 người đã chết. Hiện các nhà khoa học tại các trường đại học, các công ty công nghệ sinh học và các hãng dược vẫn đang chạy đua với thời gian để phát triển một loại vaccine ngừa. Theo tạp chí Nature, hiện có khoảng 115 ứng viên vaccine đang trong nhiều giai đoạn thử nghiệm khác nhau.
Bên cạnh công tác nghiên cứu phát triển một loại vaccine mới, nhiều nhà khoa học cũng đang nghiên cứu khả năng các loại vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm hiện có khả năng giúp hệ miễn dịch con người chống lại COVID-19 hay không.
Các nước nghèo ít nhiễm nhờ dùng đại trà vaccine ngừa lao BCG?
Một trong số các loại vaccine được các nhà khoa học quan tâm và thực hiện nhiều nghiên cứu là vaccine ngừa lao BCG (Bacillus Calmette-Gúerin) - vốn đã được phát triển khoảng 100 năm trước. BCG là một trong những vaccine được biết đến rộng rãi nhất thế giới với lịch sử tồn tại lâu dài và độ an toàn. Vaccine BCG thường được dùng trong các chiến dịch tiêm chủng phổ thông ở các nước đang phát triển.
Theo dữ liệu từ trang web BCG World Atlas (chuyên theo dõi chính sách và hoạt động sử dụng vaccine BCG trên thế giới), các nước phát triển như Mỹ, Canada không khuyến khích sử dụng vaccine BGC đại trà toàn quốc hoặc chỉ khuyến nghị sử dụng cho các nhóm có nguy cơ nhiễm lao cao. Nhiều nước châu Âu cũng đã ngưng chương trình này. Ireland thì đã ngưng chương trình dùng vaccine BCG sau năm 2015.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng các nước còn sử dụng vaccine BCG trong ngừa lao cho cộng đồng có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 thấp hơn so với các nước không còn sử dụng loại vaccine này.
Một nghiên cứu do một đội chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và tiết niệu từ Ireland và Mỹ thực hiện cho thấy có sự liên hệ giữa vaccine ngừa lao BCG và tỉ lệ nhiễm - chết từ COVID-19.
Tiến sĩ Paul Hegarty cùng thực hiện nghiên cứu trên cho biết vaccine BCG một thời gian khá lâu đã không chỉ được dùng để ngừa lao mà còn được dùng cho các bệnh nhân ung thư bàng quang, vì nó được phát hiện làm chậm lại đà tiến triển của bệnh hay giảm tần suất tái phát. Tiến sĩ Hegarty chuyên công tác tư vấn y khoa tại bệnh viện tư Mater ở thủ đô Dublin (Ireland).
Vì thế, nhóm chuyên gia trên đã quyết định nghiên cứu thử xem liệu vaccine BCG có tác dụng với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 hay không.
Các chuyên gia đã tập hợp dữ liệu về COVID-19 từ 153 nước và chia thành 2 nhóm: nhóm các nước có thực hiện các chương trình tiêm chủng quốc gia với vaccine BCG và nhóm không thực hiện.
Sau khi cân nhắc, đánh giá các khác biệt ở từng nước, các chuyên gia kết luận rằng tỉ lệ nhiễm COVID-19 hàng ngày ở các nước có thực hiện tiêm chủng quốc gia bằng vaccine BCG là 0,8/1 triệu, so với tới 34,8/1 triệu ở các nước không thực hiện.
Tỉ lệ tử vong (tính trên số ca nhiễm) là 4,1% ở các nước có thực hiện các chương trình tiêm chủng quốc gia bằng vaccine BCG, so với 5,1% ở các nước không thực hiện.
“Chúng tôi kinh ngạc khi phát hiện dữ liệu này và rồi chúng tôi quyết định đánh giá từng nước. Các nước có thực hiện chương trình tiêm chủng bằng vaccine BCG dường như có kết quả hứa hẹn hơn”, theo Tiến sĩ Hegarty.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy có sự liên hệ tương tự giữa vaccine BCG và COVID-19, như nghiên cứu của nhóm Tiến sĩ Hegarty.
Một nghiên cứu do các chuyên gia về vaccine tại Trường Y tế công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở các nước có thực hiện tiêm chủng BCG thấp hơn các nước không thực hiện tới 5,8 lần.
Cần nghiên cứu, theo dõi thêm nữa
Nghiên cứu của nhóm Tiến sĩ Hegarty dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí European Urology Oncology. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hegarty vẫn nói cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nữa để củng cố hơn giả thuyết vaccine ngừa lao BCG có tác dụng ngừa nhiễm COVID-19 và kiềm chế tử vong vì căn bệnh này.
“Vào thời điểm này thì đây là một điều cần theo dõi, và tất cả mới chỉ có thế” -theo Tiến sĩ Hegarty.
Hiện đang có một số thử nghiệm ngẫu nhiên được thực hiện trên một số lượng nhân viên y tế. Các nhân viên y tế này vốn đã được tiêm vaccine BCG và cho tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Madhukar Pai tại Đại học McGill (Canada) và là một thành viên phát triển dữ liệu của BCG World Atlas cũng đồng tình phải có các nghiên cứu thêm về giả thuyết dùng vaccine BCG với COVID-19.
“Tôi sẽ không khuyên nên có bất kỳ hành động y tế công cộng nào hay chương trình lâm sàng nào, dựa vào những gì chúng tôi đang có” - Tiến sĩ Pai nói.
Nhà nghiên cứu miễn dịch Ashley St John tại Trường Y Đại học Quốc gia Singapore-Duke cho biết vaccine BCG được tiêm vào cơ thể người khi còn trẻ để ngừa lao - một vi khuẩn truyền nhiễm. Còn cái gây bệnh COVID-19 là virus, tên SARS-CoV-2.
“Các bạn đang nói tới phản ứng miễn dịch với một vi khuẩn và khả năng bảo vệ trước virus. Có chút khó hiểu làm sao chúng có thể có lợi” - nhà nghiên cứu miễn dịch Ashley St John băn khoăn.
Tuy nhiên, bà John cũng công nhận: “Ngay lập tức sau khi được tiêm vaccine thành công, bạn có cả kháng thể đặc trưng và cả không đặc trưng, và một số trong các kháng thể không đặc trưng có thể có khả năng vô hiệu hóa một số mầm bệnh khác. Đó là mục tiêu của hệ thống miễn dịch”.
Vì thế, việc thử nghiệm ngẫu nhiên vaccine BCG và COVID-19 có thể sẽ cho thấy vaccine này có hiệu quả trong ngăn chặn một mầm bệnh khác. Tuy nhiên, bất kỳ phản ứng tích cực nào từ vaccine BCG lên một mầm bệnh khác ngoài lao không có nghĩa nên xúc tiến tiêm vaccine BCG trên diện rộng, theo bà John.
Tiến sĩ Hegarty cũng cho rằng mục tiêu của việc nghiên cứu tác dụng của vaccine BCG trong ngừa COVID-19 chỉ nhằm giúp các nhóm nguy cơ cao (như nhân viên y tế và người lớn tuổi) có thể tránh được nhiễm bệnh, trong lúc chờ phát triển một loại vaccine mới chuyên ngừa COVID-19.
“Nếu có một vaccine đáng tin lúc này thì chuyện này không thích hợp nữa” -Tiến sĩ Hegarty nói.
Các vaccine bại liệt, sởi - quai bị - rubella liệu cũng ngừa được COVID-19?
Ngoài BCG, các chuyên gia cũng đang nghiên cứu về tác dụng của một số loại vaccine khác với COVID-19. Tiến sĩ virus học Robert Gallo từng giúp phát hiện virus HIV gây bệnh Aids (hội chứng suy giảm miễn dịch) cho biết ông đang dẫn đầu thực hiện một dự án nghiên cứu sử dụng vaccine ngừa bại liệt đường uống điều trị COVID-19 trong ngắn hạn.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy vaccine ngừa bại liệt kích hoạt miễn dịch tạm thời ở người giúp bảo vệ cơ thể khỏi các virus có chất liệu di truyền RNA như virus gây bệnh cúm.
“Nếu đánh cược, tôi sẽ cược rất chắc rằng nó (vaccine ngừa bại liệt - PV) thật sự sẽ hữu ích. Vì thế, tôi muốn đẩy nghiên cứu nhanh hơn” - Tiến sĩ Gallo nói.
Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) đang nghiên cứu vaccine MMR -ngừa sởi, quai bị, rubella - có tác dụng thế nào với COVID-19. Các nhà khoa học nhận thấy virus rubella và virus SARS-CoV-2 tương đồng đến 29% trong chuỗi acid amin đồng nhất. Điều này cho thấy miễn dịch mà vaccine ngừa rubella tạo ra có thể cũng sẽ kháng lại virus SARS-CoV-2, theo các nhà nghiên cứu.
Đội nghiên cứu cũng xem xét dữ liệu từ các bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại một bệnh viện ở Anh để đánh giá mức độ kháng thể rubella và mức độ nghiêm trọng trong bệnh tình COVID-19 ở những người này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy vaccine ngừa rubella dường như giúp tình trạng bệnh nhân COVID-19 tốt hơn.
“Phối hợp các kết quả lại với nhau, chúng tôi cho rằng vaccine MMR sẽ không ngăn nhiễm COVID-19 nhưng có thể có khả năng làm giảm nguy kịch (ở những bệnh nhân đã nhiễm - PV)” - theo các nhà nghiên cứu.
Các chuyên gia vẫn cho rằng cần phải thực hiện thêm nhiều công trình nghiên cứu nữa mới có thể kết luận.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học vẫn thận trọng rằng cần phải có thêm nhiều chứng cứ để củng cố các giả thuyết này. Tuy nhiên, tính cấp thiết của đại dịch và các phát hiện tích cực ban đầu đã khuyến khích các nhà nghiên cứu theo đuổi thực hiện thêm nhiều thử nghiệm.