Tìm hiểu từ Củ Chi là gì qua sách Từ nguyên

Được độc giả nhớ mặt, quen tên qua chuyên mục giải đáp kiến thức 'Chuyện Đông chuyện Tây' trên báo Kiến thức ngày nay, học giả An Chi lại vừa tái ngộ độc giả qua sách Từ nguyên.

Vốn là dân Sài Gòn rặt, học giả An Chi (nói lái theo kiểu Nam Bộ là y chang, một bút danh của Võ Thiện Hoa) từ thập niên 90 của thế kỷ trước đã được độc giả quen tên khi ông tạo dấu ấn lớn qua chuyên mục giải đáp kiến thức trên báo Kiến thức ngày nay ở chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây”.

Thời gian qua, nhiều tác phẩm của vị học giả đất Bình Hòa được ấn hành và được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc như Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Chuyện Đông chuyện Tây hay Rong chơi miền chữ nghĩa, Câu chữ Truyện Kiều… Và mới đây, ấn phẩm mới Từ nguyên của ông cũng vừa được ấn hành.

Học giả An Chi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Học giả An Chi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Tác phẩm gồm 261 mục từ được tác giả chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết đã từng đăng trên Kiến thức ngày nay thời gian 1991-2005. Nói đến từ nguyên, đây là một lĩnh vực khó của nghiên cứu ngôn ngữ học đòi hỏi vốn kiến thức sâu rộng, sự hiểu biết ngôn ngữ và truy nguyên gốc từ. Bởi thế nên thuật ngữ “từ nguyên học” khởi nguồn từ tiếng Hy Lạp etumologia với nghĩa là “cách nói đúng”, “nghĩa đúng của một từ”.

Là một người đam mê nghiên cứu ngôn ngữ học với thái độ làm việc cẩn trọng, nghiêm túc và có chính kiến riêng, học giả An Chi đã không ngừng đào sâu nghiên cứu từ nguyên ở một lĩnh vực mà cho đến nay vẫn còn là mảnh đất ít người cày xới. Khởi từ Lê Ngọc Trụ với Việt ngữ chánh tả tự vị, tiếp sau có Bửu Kế với Tầm nguyên từ điển, Lê Đình Khẩn với Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt… và hiện nay với An Chi qua Từ nguyên. Có thể nói ông là người hiếm hoi dành nhiều thời gian để nghiên cứu từ nguyên hiện nay và tác phẩm Từ nguyên mới ấn hành, chỉ là sự mở đầu cho những tác phẩm chuyên khảo từ nguyên tiếp theo của học giả “Chuyện Đông chuyện Tây”.

Trải qua 261 mục từ, độc giả sẽ được giải đáp không chỉ ở lĩnh vực từ nguyên học, điểm thú vị ở chỗ, qua những giải đáp ấy, cho ta thấy ở đó là cả lịch sử, văn hóa hầu khắp mọi lĩnh vực được tác giả dụng công đưa đến cho độc giả ngõ hầu giải đáp thấu đáo nguyên gốc của từ được nói tới. Tỉ như “con gái con đứa”, “cù là” hoặc “ngày tư ngày tết”, “tư niên”… Dưới đây, ta có thể lấy vài ví dụ dẫn chứng nơi Từ nguyên để thấy được dấu ấn An Chi trong tác phẩm.

Ấn phẩm Từ nguyên của học giả An Chi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Ấn phẩm Từ nguyên của học giả An Chi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Nếu thắc mắc “tai nheo” là gì trong câu “đầu cua tai nheo” thì có thể mở trang 7 của sách để được tỏ tường. Theo đó: “Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng câu đó như sau: “Chỉ những chuyện chắp nhặt, không đâu vào đâu”. Tai là một từ Việt gốc Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa là “(cái) mang cá”. Đây là một từ cổ, xưa vẫn được dùng với tính cách là một từ độc lập, chẳng hạn như trong câu: “Lô cư cá vức bốn tai” (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, Hà Nội, 1985, tr. 201 - Nhà chú giải đã không giảng nghĩa chữ tai trong câu này). Không bàn đến chuyện có thật con cá vức có bốn tai, nghĩa là bốn mang, hay không, ở đây chúng tôi chỉ muốn dẫn chứng về cái nghĩa mà mình đã nêu. Chữ tai, Hán tự viết là 鰓, được Dictionnaire classique de la langue chinoisecủa F.S. Couvreur giảng là “ouїes de poisson” còn Mathews’Chinese-English Dictionary cũng giảng là “the gills of a fish”. Vậy tai nheo là mang cá nheo”.

Hoặc giả như có thắc mắc địa danh Củ Chi của TP.HCM là gì, thì hãy đến với trang 26 trong sách để hiểu rõ điều thú vị: “Củ chi là một tên khác của cây mã tiền. Đại Nam quấc âm tự vị của Hùinh-Tịnh Paulus Của ghi: “Củ chi. Loài mã tiền. Vị thuốc trị phong bại”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giảng củ chi là cây mã tiền còn mã tiền thì được giảng như sau: “Cây củ chi, trái tròn như chanh, lớn lắm bằng cam, màu vàng, nhiều hột sáng chói như bạc (...)”. Rất có thể Củ Chi là vùng vốn có rất nhiều cây củ chi, tức cây mã tiền, do đó mà có tên.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tim-hieu-tu-cu-chi-la-gi-qua-sach-tu-nguyen-post1026559.html