Tìm hiểu và ứng dụng lý luận văn học vào thực tiễn đời sống
Ngày 14-4, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ra mắt ấn phẩm Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng. Ấn phẩm ghi nhận những nỗ lực của Khoa Văn học trên con đường nghiên cứu lý luận văn học trong quan hệ chặt chẽ với đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam thời Đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ấn phẩm Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng (NXB Đại học Quốc gia TPHCM) do GS-TS Huỳnh Như Phương, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu và PGS-TS Lê Quang Trường tập hợp và tuyển chọn. Đây cũng là nỗ lực của Khoa Văn học nhằm hưởng ứng tuần lễ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Đồng thời, sách còn lưu lại một kỷ niệm về sự hợp tác của các giảng viên trong khoa, chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 50 năm hoạt động của Khoa Văn học (1975-2025).
Theo PGS-TS Lê Quang Trường, Chủ nhiệm Khoa Văn học, việc dạy lý luận trong nhà trường là bộ môn rất quan trọng trong ngành văn. Do đó, trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của khoa luôn hướng tới việc tìm hiểu các lý thuyết văn học để vận dụng các hướng nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại cũng như cận hiện đại.
“Lý luận văn học không tách rời mà gắn bó mật thiết với phê bình và lịch sử văn học, những vấn đề lý thuyết luôn được đúc kết từ thực tiễn văn học và góp phần soi sáng, lý giải thực tiễn. Lý luận văn học có sức sống là lý luận vận động và phát triển trên nền tảng của đời sống văn học Việt Nam và thế giới, phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện đại”, PGS-TS Lê Quang Trường cho biết.
Bên cạnh những vấn đề lý luận văn học cơ bản, các tác giả tham gia trong tuyển tập này còn đầu tư nghiên cứu, cập nhật một số lý thuyết nhằm góp phần đổi mới nghiên cứu văn học. Có thể kể đến một số lý thuyết như: Phê bình mới, Phê bình phân tâm học, Phê bình hiện tượng luận, Phê bình cấu trúc và giải cấu trúc, Phê bình ký hiệu học, Phê bình phản hồi - độc giả, Phê bình nữ quyền, Phê bình hậu thực dân, Phê bình sinh thái luận, Lý thuyết diễn ngôn…
Có 23 bài được viết bởi 24 tác giả, gồm các giảng viên của Khoa Văn học và một số thầy cô ở khoa khác từng có thời gian công tác ở khoa như: PGS-TS Huỳnh Như Phương, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS-TS Đoàn Lê Giang, PGS-TS Lê Quang Trường, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, PGS-TS Phan Mạnh Hùng, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, TS Hồ Khánh Vân, TS Đào Lê Na, ThS Nguyễn Đình Minh Khuê,… Từ những góc nhìn khác nhau, các tác giả đã góp phần làm đa dạng và phong phú sinh hoạt học thuật trong nhà trường hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Thành Thi cho rằng, Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng là cuốn sách rất có ý nghĩa. Chính tên sách làm cuốn sách trở nên thân thiện, gần gũi hơn, giúp người đọc hiểu rằng, ứng dụng ở đây không phải chỉ là ứng dụng chung chung mà có thể là ứng dụng cho học viên cao học, nghiên cứu sinh, cho các thầy cô đang giảng dạy ở các trường đại học.
“Hiện nay, có một số giáo viên ở các trường phổ thông, nhiều thầy cô còn lúng túng về những khái niệm văn học rất cơ bản. Cuốn sách này có tác dụng rất lớn đối với những người đang trực tiếp làm công việc nghiên cứu và giảng dạy không chỉ ở trường đại học mà còn ở các trường phổ thông”, PGS-TS Nguyễn Thành Thi bày tỏ.