Tìm hiểu Vành đai lửa là gì mà lại thường xuyên gây ra động đất đến thế
Vành đai lửa là khu vực điểm nóng trên Trái đất thường xuyên xảy ra núi lửa phun trào và động đất. Những thiên tai này đã gây thiệt hại nhiều về tài sản và cả tính mạng con người.
Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng mà liên tiếp các vụ động đất đã xảy ra tại Papua New Guinea, Indonesia, Nhật Bản và mới đây là Đài Loan. Một loạt những trận động đất này đã để lại thiệt hại khá lớn về người và tài sản tại các quốc gia này. Trong lịch sử nhiều năm trước đã xảy ra nhiều trận động đất khốc liệt và tang thương hơn. Được biết, nguyên nhân dẫn đến động đất là do Vành đai lửa.
Lý giải định nghĩa Vành đai lửa là gì?
Vành đai lửa là khu vực có những ngọn núi lửa mạnh nhất hoạt động và thường xuyên xảy ra động đất. Vành đai lửa chạy dọc theo Thái Bình Dương nên còn có tên gọi khác là vành đai lửa Thái Bình Dương. Nó có hình dạng giống như hình móng ngựa và có chiều dài rơi vào khoảng 40.000km.
Vành đai lửa là tập hợp của các rãnh đại dương, quần đảo, dãy núi lửa. Theo chiều kim đồng hồ có thể điểm qua các quốc gia nằm trong vành đai này như sau: New Zealand, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Bán đảo Kamchatka thuộc Nga, Quần đảo Aleut - bang Alaska - bang California thuộc Mỹ, Mexico, Guatemala, Colombia, Ecuador và Peru.
Động đất là gì và được tạo ra do đâu?
Động đất chính là sự giải phóng năng lượng đột ngột từ sâu bên trong lòng đất. Đây là nơi lữu trữ lượng nhiệt lớn. Lý do thường xuyên xảy ra động đất là do các mảng kiến tạo va chạm với nhau tạo nên ma sát và năng lượng. Khi năng lượng tích tụ bên trong lớp vỏ Trái đất quá nhiều sẽ cần giải phóng, quá trình này chính là động đất. Phải mất hàng chục nghìn năm năng lượng mới tích tụ đủ nhưng để giải phóng nó chỉ mất vài giây.
Hiểu cụ thể hơn, mảng kiến tạo chính là những phiến đất đá khổng lồ thuộc lớp vỏ Trái đất có độ dày khoảng 100km. Trên bề mặt Trái đất là tập hợp của 7 mảng kiến tạo chính và nhiều mảng kiến tạo nhỏ tạo thành. Sự va đập giữa các mảng kiến tạo này đã làm nên các dãy núi, núi lửa, động đất và hiện tượng địa chất.
7 mảng chính tạo nên lớp vỏ Trái đất là: mảng Thái Bình Dương, mảng Á - Âu, mảng Ấn - Úc, mảng châu Phi, mảng Bắc Mỹ, mảng Nam Mỹ, mảng Nam Cực. Ranh giới giữa các mảng kiến tạo không được tính là ranh giới giữa các châu lục, trên thực tế chúng sẽ lệch nhau về vị trí.
Trung bình mỗi năm, các mảng kiến tạo chỉ di chuyển khoảng 5cm. Nhưng khi xảy ra động đất, chúng có thể di chuyển vài mét mỗi giây.
Động đất thường xuyên xảy ra ở Vành đai lửa
Dọc theo Vành đai lửa, phần lớn các mảng kiến tạo xếp chồng lên nhau và hội tụ tại các điểm hút chìm, nghĩa là mảng bên dưới bị mảng trên đẩy xuống và chìm vào trong lớp phủ Trái đất. Các mảng này tan chảy và trở thành đá mắc-ma nóng chảy. Mắc-ma bốc lên mặt đất thông qua các vết nứt trên lớp vỏ Trái Đất. Quá trình phun trào mắc-ma xảy ra nhiều lần đã tạo nên núi lửa
Có hơn 450 núi lửa nằm dọc theo Vành đai lửa bao gồm cả loại đang hoạt động và không hoạt động. Con số này chiếm tới 75% núi lửa trên Trái đất. 90% các trận động đất trên toàn cầu xảy ra trên vành đai này. Bên cạnh động đất, tại Vành đai lửa còn xảy ra những sự kiện địa chấn dữ dội.