Tìm hiểu về đảo Síp
Cộng hòa Síp là một hòn đảo nằm ở phía đông Địa Trung Hải, giữa Trung Đông và châu Âu.
Về mặt địa lý, Síp - hòn đảo đông dân thứ ba ở Địa Trung Hải, là một phần của châu Á (Trung Đông), nằm cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80km về phía nam, ở phía tây của Syria và Lebanon, phía tây bắc của Israel và bắc của Ai Cập, phía đông của Hy Lạp.
Là hòn đảo lớn thứ ba ở Đại Tây Dương, Síp có diện dích đất liền là 9.251 km vuông và dân số ước tính 1.266.676 người tính đến tháng 7/2020. Nicosia là thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất của Síp. Ngôn ngữ tại quốc đảo này là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Theo World Factbook của Mỹ, Síp giành độc lập vào năm 1960 sau nhiều năm chống lại sự cai trị của Anh. Căng thẳng giữa người Síp gốc Hy Lạp chiếm đa số ở nước này với người thiểu số Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ lên tới đỉnh điểm vào tháng 12/1963 dẫn tới bạo lực bùng nổ tại thủ đô Nicosia. Bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đây từ năm 1964, thỉnh thoảng xung đột vẫn bùng nổ.
Hiện giờ, Nicosia là thủ đô bị chia rẽ cuối cùng trên thế giới. Bình thường, Nicosia cũng giống như các thành phố khác, song chỉ tới khi thấy vùng đệm Liên Hợp Quốc tại đây, vốn phân chia Cộng hòa Síp với phía bắc Síp (được mỗi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận là quốc gia) thì mới rõ sự khác biệt.
Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Cộng hòa Síp vào nhóm quốc gia cấp 1, tức là nước có nguy cơ thấp song người Mỹ chỉ ra và vào nước này qua các sân bay miền nam là Larnaca và Paphos cũng như qua cảng biển.
Cộng hòa Síp nổi tiếng là nơi chào đời của vị thần tình yêu và sắc đẹp Hy Lạp Aphrodite. Theo truyền thuyết, thần Aphrodite chào đời từ bọt biển, gần các hòn đá lớn dọc theo một trong những đường bờ biển tuyệt đẹp của hòn đảo này. Síp hiện là điểm du lịch được ưa thích tại Địa Trung Hải.
Với nền kinh tế phát triển, thu nhập và chỉ số phát triển con người cao, Cộng hòa Síp là thành viên sáng lập Phong trào không liên kết, gia nhập Liên minh châu Âu (EU) kể từ 1/5/2004.
Cộng hòa Síp là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong Liên minh châu Âu bất chấp khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 2013. Người có hộ chiếu Síp được phép đi lại, làm việc trên khắp EU và được miễn thị thực nhập cảnh tới 174 quốc gia.