Tìm hiểu về khái niệm thông tin khoa học

Thông tin khoa học còn gọi là thông tin tư liệu, là dạng thông tin xã hội, hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người và dành cho những đối tượng nhất định, nhằm giúp họ giải quyết những nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động của họ

Con người trong xã hội hiện đại luôn có nhu cầu tìm hiểu thông tin, đặc biệt là thông tin khoa học

Con người trong xã hội hiện đại luôn có nhu cầu tìm hiểu thông tin, đặc biệt là thông tin khoa học

Quá trình thông tin là gì?

Trên quan điểm triết học thông tin là sự phản ánh của thế giới vật chất. Vì vậy có thể coi mọi đối tượng vật chất đêùlà những nguồn thông tin (vì vật chất có thuộc tính tự phản ánh - Lênin). Song đó chỉ là thông tin ở dạng tiềm năng.

Để có được thông tin cần phải có đối tượng thu nhận tin. Quá trình tác động qua lại giữa nguồn tin và đối tượng thu nhận tin gọi là quá trình thông tin. Quá trình thông tin được thực hiện qua các phương tiện truyền tin.

Nơi phát hay nguồn tin có thể là một người, một nhóm người hay một tổ chức. Trong trường hợp thông tin truyền đi là có chủ đích, tín hiệu phải được phát đi dưới dạng mà nơi thu có thể hiểu được. Dạng đó gọi là mã (code). Ví dụ các thuật ngữ của tiếng Pháp, các chỉ dẫn giao thông.

Nơi thu hay đích là nơi nhận tín hiệu. Trái với nơi phát, nơi thu thường nhận được các tín hiệu truyền đi từ khắp nơi mà người phát không có chủ đích dành cho họ. Để nhận ra các tín hiệu, nơi thu phải chọn ra các thông tin phù hợp, giải mã các tín hiệu truyền đi để nhận ra các thông tin gốc.

Các kênh là các vật mang tin hay các phương tiện truyền thông. Chúng khác nhau tùy theo cách thức truyền tin. Có rất nhiều phương tiện truyền tin: sóng âm, sóng điện từ, các cử chỉ hành động, văn bản, vệ tinh viễn thông...

Những tín hiệu giữa nơi phát và nơi thu chỉ có thể hiểu được nếu chúng sử dụng cùng một hệ thống tín hiệu (mã). Tuy nhiên trong quá trình thông tin thường xảy ra sự sai lạc vào lúc phát đi hoặc lúc thu nhận tín hiệu. Nơi phát và nơi thu không hiểu được nhau do có những thông tin không nhận được hay do bị nhiễu.

Những trở ngại cho việc chuyển giao thông tin có thể gây ra do tổ chức, kỹ thuật, cũng có thể do tâm lý, nhận thức, do quan hệ giữa người dùng tin và cán bộ thông tin.

Sự chuyển giao thông tin không theo một chiều. Nơi nhận thường tác động lại bằng những thông tin phản hồi. Nghiên cứu phân tích các thông tin phản hồi cho phép đánh giá và điều chỉnh quá trình thông tin để được hiệu quả thông tin tối đa.

Phân biệt thông tin khoa học và thông tin đại chúng

Quá trình phát triển của xã hội gắn liền với sự chuyển giao thông tin giữa các thế hệ. Nét mới hiện nay là quy mô phát triển và sự quan tâm to lớn mà người ta dành cho nó.

Các thông tin có thể truyền trực tiếp giữa người và người, có thể truyền qua các phương tiện truyền thông: báo chí, phát thanh, truyền hình. Đó là hoạt động thông tin đại chúng.

Thông tin đại chúng là thông tin dành cho đông đảo mọi thành viên trong xã hội, không phụ thuộc vào trình độ và công việc của họ. Thông tin đại chúng thông báo những vấn đề, những hiện tượng và sự kiện của đời sống xã hội. Nói chung người ta không kiểm tra và biến đổi những thông tin ấy. Nét đặc trưng của thông tin đại chúng là khối lượng thông tin chuyển giao rất lớn và số lượng đông đảo công chúng sử dụng nó.

Bên cạnh hoạt động thông tin đại chúng thông qua các phương tiện truyền thông, có một loạt các thiết chế xã hội hoạt động với chức năng chuyển giao sự hiểu biết. Đó là các hệ thống giáo dục, các tổ chức nghề nghiệp, hoạt động hành chính, sinh hoạt gia đình... Trong các hoạt động đó ta phải kể đến hoạt động thông tin khoa học, có nhiệm vụ thu thập, xử lý, chuyển giao thông tin từ nguồn tới người sử dụng.

Sự giao lưu thông tin giữa con người trong thực tế bị chỉ phối bởi không gian và thời gian, nó chỉ có thể bền vững nếu để lại một dấu vết, tức là nó phải được ghi trên một giá mang thông tin, còn gọi là vật mang tin như: sách vở, tranh ảnh, băng từ, đĩa từ, đĩa quang... Tóm lại đó là một tư liệu (document).

Chọn lọc ra từ khối lượng thông tin mang trên những giá đó những tri thức mà người ta yêu cầu, cung cấp cho người dùng tin vào lúc mà họ cần và giữ cho nó không lạc hậu bằng cách bổ sung cập nhật hàng ngày. Đó là mục tiêu của hoạt động thông tin tư liệu hay thông tin khoa học.

Thông tin khoa học, còn gọi là thông tin tư liệu, là dạng thông tin xã hội, hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người và dành cho những đối tượng nhất định, nhằm giúp họ giải quyết những nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động của họ. Đối tượng đó được gọi chung là người dùng tin (users). Họ có thể là các nhà lãnh đạo và quản lý, các nhà nghiên cứu, các giáo sư, các sinh viên, các kỹ sư, các nhà sản xuất và kinh doanh...

theo Giáo trình thông tin học

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tim-hieu-ve-khai-niem-thong-tin-khoa-hoc-218917.html