Tìm hướng áp dụng y tế số từ Canada sang Việt Nam

Với mục tiêu tận dụng thế mạnh của Canada trong lĩnh vực y tế số để chuyển dịch sang Việt Nam, Phòng thương mại Canada-Việt Nam đã tổ chức Hội nghị 'Y tế và công nghệ 2024' tại Montreal để đại diện chính quyền, giới nghiên cứu cũng như các công ty công nghệ chuyên ngành y tế có thể tìm ra hướng tiếp cận thị trường tại quốc gia Đông Nam Á này.

Đại sứ Phạm Vinh Quang chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo của Phòng thương mại Canada-Việt Nam. Ảnh: Báo Tin tức phát

Đại sứ Phạm Vinh Quang chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo của Phòng thương mại Canada-Việt Nam. Ảnh: Báo Tin tức phát

Hầu hết các đại diện của Canada tham dự hội nghị này đều có chuyên môn rất cao liên quan tới công nghệ số trong lĩnh vực y học và y tế số. Họ đã giới thiệu ý tưởng, công trình nghiên cứu và cả các dự án đang được ứng dụng thành công tại nước này và mong muốn sẽ mở rộng được sang Việt Nam.

Công ty Falkbuit là nhà sản xuất và phát triển các giải pháp công nghệ xây dựng đa ngành như y tế, thương mại văn phòng, giáo dục, và công nghiệp. Hiện công ty đang tập trung phát triển vật liệu xây dựng kỹ thuật số để chuyên phục vụ cho ngành y tế của Canada thông qua dịch vụ đồng bộ từ đầu tới cuối.

Chia sẻ với phóng TTXVN tại Canada, Giám đốc Falkbuilt chi nhánh Montreal, ông Martin Samson cho biết: Là một công ty kỹ thuật, Falkbuilt tận dụng công nghệ để sản xuất các bộ phận, vật liệu xây dựng được thiết kế tùy chỉnh và có thể triển khai nhanh chóng cho một dự án nào đó.

Ông cho rằng việc triển khai xây dựng một bệnh viện chỉ với nửa thời gian và 30% nhân công lao động thông qua công nghệ xây dựng số là điều cần thiết và rất đáng xem xét. Điều này có thể áp dụng được ở Việt Nam nếu có nhu cầu.

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo và khả năng thích ứng của công nghệ trong xây dựng một cơ sở y tế nào đó mà không cần có một địa điểm cố định giống như việc xây dựng như hiện nay là một lợi thế.

Thế mạnh mà Falkbuit đang sở hữu chính là công nghệ chứ không phải là vật liệu xây dựng vì tất cả đều nằm trên đám mây dữ liệu và chỉ cần trích xuất để triển khai. Do vậy, dù được thiết kế ở Canada, nhà thầu được lựa chọn từ Dubai để triển khai tại Việt Nam đều không thành vấn đề. Điều quan trọng là công nghệ và vấn đề vật liệu hay nhân công đều có thể sử dụng tại chỗ.

Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc điều hành Med Novum nhận xét, việc đưa ra vấn đề y tế kỹ thuật số hiện nay là rất phù hợp cả về cơ hội cũng như nhu cầu đối với Việt Nam và Canada.

Ông này nói rằng Canada có khoa học công nghệ, nhưng họ gặp vấn đề về chi phí sản xuất. Họ đang cần một điểm đến, một nơi để sản xuất và thị trường cho các trang thiết bị y tế mới cũng như công nghệ mới.

Một diễn giả đang trình bày tại hội nghị. Ảnh: Báo Tin tức phát

Một diễn giả đang trình bày tại hội nghị. Ảnh: Báo Tin tức phát

Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, đặc biệt là khi chúng ta đã có hiệp định CPTPP (Đối tác Toàn diện và Xiến bộ xuyên Thái Bình Dương) tháo gỡ hết tất cả các hàng rào thuế quan.

Việt Nam đang có những điều chỉnh về quy định liên quan tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm thúc đẩy một môi trường y tế kỹ thuật số phát triển và có tính tương tác cao. Thị trường y tế số đã thu hút được nhiều công ty của cả trong nước và quốc tế sau khi Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết trong thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Canada-Việt Nam Nam Hoàng cho biết: "Chúng tôi đang có rất nhiều đối tác lớn và cảm thấy đây là thời điểm tốt để có sự chuyển đổi giữa Canada và Việt Nam, đặc biệt là sau khi Cơ quan phát triển xuất khẩu mở văn phòng tại Việt Nam".

Ông này cho rằng một trong những ngành đang phát triển rất mạnh ở cả Canada và Việt Nam là y tế số. Sự kiện hôm nay tập trung rất nhiều đại diện có ảnh hưởng lớn của Canada trong lĩnh y tế, giáo dục, công nghệ, với hy vọng có thể tìm ra cách tiếp cận thị trường y tế số của Việt Nam trong thời gian tới.

Phòng Thương mại Canada-Việt Nam đang có những đóng góp to lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Họ đã quy tụ được khá nhiều doanh nghiệp lớn của Canada muốn mở rộng làm ăn sang Việt Nam, góp phần nâng giá trị thương mại giữa hai bên lên hơn 10,3 tỷ USD trong năm 2023.

Cơ quan này cũng chính là nơi kết nối để Tập đoàn FPT và Viện Mila hợp tác trong trong lĩnh vực kỹ thuật số như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Hà Linh (P/v TTXVN tại Canada)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tim-huong-ap-dung-y-te-so-tu-canada-sang-viet-nam-20240601070656420.htm