Tìm hướng đi bền vững cho thanh long Bình Thuận

Để hạn chế tình trạng chặt bỏ cây thanh long và đáp ứng được các tiêu chuẩn trong xuất khẩu, các ngành chức năng cần có các chính sách tiếp sức cho người dân, HTX tiếp tục sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn nhằm nâng cao giá trị của loại cây trồng chủ lực này trên thị trường.

Tại Hội thảo Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững cho trái thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày 19/5, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tính đến quý I/2022, sản lượng thanh long của Bình Thuận đạt gần 700 nghìn tấn/năm, chiếm 50% tổng sản lượng thanh long cả nước.

Chi phí tăng cao, đầu ra bấp bênh

Tuy nhiên, diện tích thanh long trên toàn tỉnh hiện chỉ còn 29.830 ha, giảm gần 4.000 ha so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, huyện Hàm Thuận Bắc có 1.500 ha bị phá bỏ, huyện Bắc Bình: 600 ha, huyện Hàm Thuận Nam: 228 ha…

Nguyên nhân khiến diện tích giảm mạnh là vì giá thanh long xuống thấp và khó tiêu thụ trong thời gian dài, ngược lại giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) tăng cao khiến người trồng hụt vốn để duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán hoặc lũ lụt xảy ra làm một số diện tích thanh long chết do thiếu nước hay rửa trôi phân bón trên diện rộng.

Đặc biệt, hơn 85% sản lượng thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, số còn lại tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các thị trường khác. Chính vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đông dân nhất thế giới, nên khi phía Trung Quốc thực hiện chính sách mới, nhất là theo đuổi chính sách “Zero Covid” ảnh hưởng đầu ra của thanh long.

Cần có các chính sách tạo điều kiện để người nông dân gắn bó, tiếp tục sản xuất cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận.

Cần có các chính sách tạo điều kiện để người nông dân gắn bó, tiếp tục sản xuất cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận.

Giá thu mua thanh long trong nước từ cuối năm 2021 đến nay giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg. Sản xuất khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao trong khi đầu ra bấp bênh khiến người nông dân không gánh nổi chi phí sản xuất. Nhiều nhà vườn đang nằm trong vòng luẩn quẩn: nếu sản xuất mà giá bán quá thấp thì lỗ nặng, còn nếu không chăm sóc thì cây bị hỏng, không cho thu hoạch vụ sau.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có các cơ sở chế biến thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long của các HTX, doanh nghiệp nhưng sản lượng chế biến không đáng kể nên chưa giải quyết được bài toán đầu ra cho người dân. Trước tình trạng này, không ít hộ dân đã bỏ mặc hoặc chặt bỏ thanh long.

Theo các chuyên gia, khi người dân chặt bỏ thanh long để trồng các loại cây khác thì cũng cần cả quá trình tìm hiểu thị trường. Nếu thị trường chưa hoặc khó chấp nhận những loại nông sản mới thì chắc chắn đầu ra nông sản của người dân cũng vẫn khó khăn, bấp bênh như thanh long hiện nay. Trong khi đó, muốn trồng bất kỳ một loại cây nào, người dân cũng phải mất ít nhất gần 2 năm mới được thu hoạch.

Hiện nay, thanh long vẫn là một trong 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Và không chỉ với mặt hàng thanh long mà còn nhiều trái cây khác như mít, dưa hấu, chuối... cũng đang gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng đây là khó khăn chung chứ không chỉ riêng một mặt hàng thanh long, nên việc chặt bỏ thanh long sang trồng loại cây khác chưa phải là phương án tối ưu. Thay vào đó, cần có những giải pháp giúp đỡ người dân, HTX vượt qua khó khăn, chăm sóc lại vườn một cách hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh khó khăn khách quan, việc phát triển cây thanh long tại Bình Thuận vẫn còn tình trạng tự phát. Mối liên kết theo chuỗi tuy đã được hình thành thông qua các HTX nhưng chưa nhiều, chưa chặt chẽ. Các chính sách hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến… thanh long vẫn còn hạn chế, nên chưa nâng cao được giá trị loại cây trồng chủ lực này. Nhiều HTX vẫn gặp khó trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc vì thiếu nguồn vốn, trong khi các thủ tục vay vốn, nhận hỗ trợ còn quy định ngặt nghèo, chưa phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.

Tiếp sức cho người dân, HTX

Theo anh Lê Văn Dũng, người trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, sau gần 2 năm thanh long không tiêu thụ được, người dân, HTX đang dần kiệt sức, hết vốn đầu tư. Vì vậy, các hộ trồng thanh long cũng như các HTX đều mong muốn chính quyền địa phương, Trung ương có các chính sách tiếp sức, tạo điều kiện để người nông dân gắn bó, tiếp tục đầu tư sản xuất cây trồng chủ lực của tỉnh.

Còn bà Trần Thị Kim Oanh (xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình) cho biết, ngoài kỳ vọng được Nhà nước hỗ trợ trong vấn đề tiêu thụ, nhiều người dân cũng mong muốn tham gia mô hình HTX vì qua HTX, giá cả của trái thanh long cũng bình ổn hơn. Các HTX cũng có thể mở rộng thêm diện tích đạt chuẩn để người dân tham gia phát triển theo quy mô lớn, thuận tiện trong ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp nên tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX áp dụng các phương pháp chăm sóc phù hợp để hạn chế chi phí đầu vào. Bên cạnh đó là phối hợp với ngành công thương theo dõi, dự báo thị trường kịp thời, giúp người nông dân, HTX có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Về phía người dân, thay vì chặt bỏ, người dân nên duy trì sản xuất bằng cách tưới nước, cắt cỏ, bón phân hữu cơ với lượng tối thiểu để giữ màu xanh của cây. Qua đó tránh tình trạng cây thanh long suy kiệt, teo tóp và đợi đến khi tình hình thị trường ổn định thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư khai thác… Với diện tích thanh long bị nấm bệnh, già cỗi thì có thể trồng mới hay thay thế cây trồng khác nhưng phải phù hợp đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng cũng như có định hướng thị trường cho các loại cây chuyển đổi.

"Các địa phương cũng cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất và quản lý vùng trồng nguyên liệu; đánh giá lại chuỗi giá trị cho các vùng trồng, từ vùng sản xuất tới vùng tiêu thụ để có những chính sách cụ thể từng vùng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX. Đây cũng là cách đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định theo chính sách Zero Covid của phía Trung Quốc”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, địa phương cần tăng cường quản lý quy hoạch, ổn định diện tích có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp, có điều kiện đầu tư sản xuất tại vùng sản xuất tập trung; quy hoạch, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với sản xuất theo chuỗi; không mở rộng diện tích trồng mới tại vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng không phù hợp.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, việc đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác hoàn thiện chuỗi giá trị thanh long theo hướng bền vững từ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, tiêu thụ là rất quan trọng.

Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cần có những kiến nghị với Trung ương để có những biện pháp cụ thể hỗ trợ người dân, HTX các nguồn lực, như nguồn lực về tài chính để HTX phát triển sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, từ đó tìm đầu ra cho quả thanh long được thuận lợi hơn.

"Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm việc với một số doanh nghiệp, định hướng các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất và chế biến thanh long tại Bình Thuận. Chính vì vậy, UBND tỉnh cần có những biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với HTX, người dân.", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người dân nên đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua HTX, tổ hợp tác để tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp; giảm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/tim-huong-di-ben-vung-cho-thanh-long-binh-thuan-1085546.html