Tìm hướng đi cho làng nghề chiếu cói
Người dân làng nghề chiếu cói Phú Tân dệt chiếu bằng máy. Ảnh: NGÔ XUÂN
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chiếu cói Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An) liên tiếp gặp khó do lượng tiêu thụ giảm sút, hàng tồn kho lớn. Bên cạnh việc cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động, các cơ sở sản xuất nỗ lực tìm thêm hướng đi cho sản phẩm của làng nghề.
Làng nghề gặp khó
Những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chiếu cói Phú Tân 1 liên tiếp gặp nhiều khó khăn vì sức tiêu thụ kém, hàng hóa tồn kho ngày càng lớn. Mặc dù vậy, các hộ dân làm nghề vẫn đều đặn dệt chiếu để duy trì hoạt động của làng nghề.
Gia đình anh Phạm Văn Tây (thôn Tân Long, xã An Cư) có 13 máy dệt chiếu, với gần 30 lao động thường xuyên. Bình quân, cơ sở sản xuất hơn 6.000 chiếc chiếu mỗi tháng. Hồi đầu năm, thời tiết thuận lợi, cơ sở làm việc liên tục nên sản lượng tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, sức tiêu thụ chiếu rất chậm nên hiện cơ sở của gia đình anh Tây còn tồn đến vài ngàn chiếc chiếu. Anh Tây cho biết: Năm nay thời tiết biến động thất thường. Mấy đợt mưa lũ vừa qua, nhiều hộ sản xuất trong làng nghề bị nước ngập sâu, làm ướt và hư hại cói nguyên liệu cũng như chiếu thành phẩm. Gia đình tôi bị nước lụt “ngâm” hơn 3 tấn cói. Lượng chiếu tồn kho cũng hư hỏng ít nhiều. Chúng tôi phải liên tục chuyển chiếu lên gác cao để tránh lũ; đến bây giờ vẫn chưa dám bỏ xuống.
Cơ sở sản xuất chiếu cói của chị Nguyễn Thị Phương (thôn Phú Tân) cũng khó khăn không kém vì sản lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể. Mặc dù vậy, cơ sở của chị vẫn phải “gồng gánh” công việc và thu nhập của hơn 30 lao động địa phương. Theo chị Phương, mặc dù tiêu thụ chậm nhưng chị vẫn cố gắng duy trì thu mua chiếu của bà con làng nghề. Bởi nếu không có người thu mua, bà con sẽ bỏ nghề; đến khi cần hàng thì sẽ gặp khó khăn.
Nhiều trăn trở
Để duy trì và mở rộng hoạt động của làng nghề chiếu cói Phú Tân, vợ chồng anh Nguyễn Anh Quân (thôn Phú Tân) đã tìm tòi cách làm các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cói. Anh Quân tham gia cuộc thi khởi nghiệp thanh niên với các dòng sản phẩm mỹ nghệ từ cây cói như túi xách, mũ, hộp đựng, thảm chân... Mục tiêu của anh là tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch; từ đó phát triển thành loại hình du lịch trải nghiệm tại làng nghề chiếu cói Phú Tân. Thế nhưng, để làm được điều này, một mình anh vẫn chưa đủ sức.
Anh Quân tâm sự: “Để đưa ý tưởng thành hiện thực, cần rất nhiều giai đoạn cũng như sự hỗ trợ của địa phương. Trước mắt, tôi sẽ nghiên cứu, học tập thêm kinh nghiệm sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã để tạo thêm nhiều dòng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Sau đó, tôi sẽ mở lớp đào tạo nghề để tận dụng lượng lao động nông nhàn rất lớn của địa phương. Bước đầu đã có một số khách liên hệ đặt hàng, nhưng tôi chưa dám nhận nhiều vì sợ chưa đủ sức”.
Bên cạnh cơ sở của anh Quân, chị Nguyễn Thị Phương cũng rất trăn trở với hướng đi này. Chị Phương cho biết: Hiện nay, vùng trồng cói tại địa phương ngày càng ít; cơ sở chủ yếu phải nhập cói từ miền Nam với giá ngày càng tăng cao. Trong khi đó, dệt chiếu bằng máy cần sợi cói dài, đều nên lượng cói ngắn bị thừa ra không ít, rất lãng phí. Do vậy, thời gian tới cơ sở sẽ nghiên cứu làm thêm các dòng sản phẩm mỹ nghệ từ cói để tận dụng số nguyên liệu thừa này và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, bền vững.
Theo ông Cao Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã An Cư, hiện nay, vùng trồng cói của xã An Cư chỉ còn khoảng 20ha do một số diện tích người dân chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Diện tích này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu sản xuất của làng nghề. Do vậy, thời gian tới, địa phương tiếp tục định hướng mở rộng diện tích trồng cói để đáp phần nào nhu cầu nguyên liệu của làng nghề.
“Bên cạnh đó, chính quyền địa phương khuyến khích người dân nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm cói mỹ nghệ để phục vụ du lịch. Trước mắt, xã An Cư sẽ phân bổ nguồn vốn 500 triệu đồng từ Hội Nông dân để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất. Về lâu dài, xã sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ các hộ dân tìm kiếm hướng đi mới để phát triển làng nghề dệt chiếu Phú Tân”, ông Nhân nói.
Làng nghề chiếu cói Phú Tân hiện có 90 hộ dân, với hơn 220 người còn làm nghề dệt chiếu truyền thống. Trong làng nghề cũng có 5 cơ sở đầu tư máy dệt chiếu, với 45 máy đang hoạt động; tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249726/tim-huong-di-cho-lang-nghe-chieu-coi.html