Tìm hướng hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế - xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 12/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết sẽ rà soát lại quyết định giao và cho thuê đất đối với Thảo Cầm Viên Sài Gòn (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), từ đó có hướng hỗ trợ giải quyết khó khăn phù hợp.
Thời gian qua, xuất hiện thông tin Chi cục Thuế Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) thông báo tiền nợ thuế của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn tính đến ngày 31/10/2024 là hơn 846 tỷ đồng; trong đó, 787 tỷ đồng là số tiền nợ thuế quá hạn phải thực hiện cưỡng chế. Việc này khiến Thảo Cầm Viên Sài Gòn - sở thú lâu đời nhất của Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa.
Nói về pháp lý sử dụng khu đất trên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này hoạt động theo mô hình tổ chức kinh tế, sử dụng khu đất công trình công cộng và có hoạt động kinh doanh theo hình thức bán vé vào cổng tham quan. Do vậy, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh”, ngày 4/12/2014, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5918/QĐ-UBND cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn thuê đất tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1 để sử dụng vào mục đích công cộng (đất khu vui chơi, giải trí công cộng) với chế độ thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày ký quyết định cho thuê đất.
Theo nội dung kiến nghị của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đơn vị có hoạt động kinh doanh bán vé vào cổng tham quan, nhưng việc sử dụng đất của Thảo Cầm Viên không chỉ phục vụ mục đích kinh doanh mà còn bao gồm phần diện tích đất dùng để phục vụ cho hoạt động công ích. Theo đó, khu kinh doanh, dịch vụ của Thảo Cầm Viên gồm nhiều công trình trò chơi thiếu nhi, quầy lưu niệm, quán cafe; ngoài ra, còn có khu hành chính và văn phòng làm việc. Tuy nhiên, phần lớn diện tích còn lại của Thảo Cầm Viên đều có mục đích không kinh doanh như khu cây xanh, mặt nước, thảm cỏ; khu chuồng trại, nuôi thú; khu phụ trợ, kho, thú y xá, nhà chế biến thức ăn… Do giá vé vào cổng thấp nên nguồn thu từ tiền vé được chi khoảng 95% cho các chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng động vật; phí duy tu, bảo tồn phát triển cây xanh; phí vận hành các dịch vụ kinh doanh. Trong khi đó, phần lớn diện tích là công viên phục vụ cho các hoạt động công cộng như bảo tồn sinh vật, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng… đều không thu phí.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho rằng đơn vị hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà vì mục đích giữ gìn giá trị lịch sử, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và bảo tồn các loài động vật - thực vật quý hiếm của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc Thảo Cầm Viên phải thuê đất và thực hiện đóng tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích khuôn viên là vượt khả năng thực hiện và duy trì hoạt động của đơn vị. Do vậy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn kiến nghị UBND Thành phố và các sở, ngành điều chỉnh, bổ sung các hạng mục sử dụng đất trên cơ sở xác định cụ thể diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh và diện tích đất không sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Trước kiến nghị của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có buổi làm việc khẩn với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào chiều 11/12. Tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được công ty trao đổi về hiện trạng thực tế quản lý, sử dụng và hoạt động kinh doanh tại Thảo Cầm Viên. Sở Tài nguyên và Môi trường lắng nghe, tiếp thu trên tinh thần chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận nội dung khó khăn, vướng mắc và sau khi đơn vị sử dụng đất kê khai, báo cáo việc quản lý, sử dụng đất theo hiện trạng thực tế sử dụng, Sở sẽ báo cáo UBND Thành phố xem xét tháo gỡ, có ý kiến chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan để giải quyết nội dung kiến nghị của đơn vị theo quy định.
Được xây dựng cùng lúc với Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành vào năm 1864, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất Thành phố, không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng hơn 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài.