Tìm hướng sản xuất và tiêu thụ thanh long bền vững

Sáng 21/2, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục Trồng trọt, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thanh long tại 3 tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Tiêu thụ gặp khó

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, cả nước có hơn 64 nghìn ha trồng cây thanh long tại hầu hết các tỉnh thành; trong đó, ba địa phương có diện tích sản xuất thanh long chính gồm: Bình Thuận (33 nghìn ha), Long An (gần 12 nghìn ha), Tiền Giang (9,6 nghìn ha).

So với năm 2015, sản lượng thanh long cả nước năm 2021 đã tăng gấp đôi với gần 1,4 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam năm 2020 đạt hơn 1 tỷ đô (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản xuất thanh long năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch COVID- 19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Giá thu mua thanh long trong nước giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn 2- 3 nghìn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3- 5 nghìn đồng/kg. Thực tế chỉ có những vùng, những đơn vị nào liên kết sản xuất, tiêu thụ tốt thì mới tiêu thụ ổn định.

Trong quý I/2022, ước sản lượng thanh long các tỉnh trồng lớn phía Nam khoảng 247 nghìn tấn; trong đó, tháng 2 khoảng 67 nghìn tấn và tháng 3 khoảng 63 nghìn tấn. Hiện nay, với chính sách “Zero COVID- 19”, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thành thu mua trong nước. Một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh với diện tích 33 nghìn ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, với hơn 30 nghìn hộ tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho từ 70 – 80 nghìn lao động.

Tuy nhiên trong năm 2021 đến nay, giá thu mua thanh long giảm sâu do các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng, giá mua thanh long ruột trắng tại vườn khoảng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg mặc dù là hàng trái vụ, chong đèn.

Cũng như Bình Thuận, tại tỉnh Tiền Giang, Long An, tình hình tiêu thụ sản xuất thanh long cũng gặp không ít khó khăn. Vì trái thanh long phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm tới hơn 90% lượng xuất khẩu và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên khi phía Trung Quốc siết chặt thì sản xuất gặp nhiều khó khăn, hàng hóa ứ đọng.

Thêm vào đó, bởi vì dễ trồng, dễ thích nghi và lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng nên người dân ở các địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam mở rộng sản xuất nhanh, manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Điều này tạo ra áp lực lớn cho tình hình tiêu thụ trái thanh long, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Theo nhìn nhận của các đại biểu tham dự hội nghị, ngoài những thách thức từ bên ngoài, cây thanh long còn đối mặt với nhiều thách thức từ bên trong sản xuất như: liên kết sản xuất theo chuỗi chưa nhiều, chưa chặt chẽ, phần lớn nông dân bán qua thương lái, giá cả không ổn định; chế biến các sản phẩm từ thanh long và hệ thống bản quản và kho lạnh còn ít, một số vùng thiếu cơ sở hạ tầng…

Phát triển theo hướng bền vững

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Từ nhìn nhận, đánh giá thực trạng, nhiều giải pháp đã được đề xuất để giải quyết bài toán tiêu thụ thanh long hiện nay cũng như hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề trước mắt, ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội thanh long Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho bà con nông dân.

Khi bị ách tắc tại đường bộ, nhiều đơn vị đã chuyển hướng đường biển tuy nhiên điều này làm tăng giá thành khi xuất khẩu, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nông dân sản xuất thanh long. Vì vậy, Bộ cần có kế hoạch, xây dựng phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng cập nhật thông tin, chính sách tiêu thụ ở các nước để kịp thời phổ biến đến địa phương; định hướng tăng cường chế biến, giải quyết tình trạng ứ đọng trái khi gặp khó khăn khi tiêu thụ; đầu tư kho lạnh tại các cửa khẩu để lưu trữ hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, để giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản ở góc độ địa phương rất khó thực hiện vì vậy địa phương cần có sự hỗ trợ, kết nối từ Trung ương, các bộ, ngành liên quan về nhận định tình hình, dự báo thị trường đến việc hoạch định chính sách, cơ chế hướng dẫn, bộ tiêu chí sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường…

Nhiều ý kiến cho rằng, thanh long hiện là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc cũng đã mở rộng nhiều diện tích trồng thanh long, lợi thế thị phần của thanh long Việt Nam tại thị trường này không còn như trước nữa. Để duy trì việc tiêu thụ thanh long được ổn định, lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, tránh lệ thuộc vào một thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức lại sản xuất thanh long và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu như trước đây, nông dân sản xuất với tư duy chỉ quan tâm tới sản lượng, ước chừng sản xuất thì nay phải thay đổi sang tư duy kinh tế. Để phát triển bền vững, các đại phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.

Các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích sản xuất, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long, từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Chia sẻ khó khăn với các tỉnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ thanh long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thanh long là câu chuyện điển hình nhưng Việt Nam còn nhiều nông sản khác cũng đang nằm trong thách thức vô cùng lớn từ thị trường bên ngoài, cũng như thách thức bên trong sản xuất, liên kết, hợp tác. Vì vậy, các địa phương, ngành hàng cần xây dựng hệ sinh thái riêng trên từng ngành hàng, từng loại nông sản…

Hồng Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-huong-san-xuat-va-tieu-thu-thanh-long-ben-vung-20220221144301107.htm