Tìm hướng tháo gỡ cho Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái
Ngày 4-12, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức cuộc họp, bàn giải pháp để tháo gỡ những khó khăn liên quan của dự án trọng điểm Thủy điện tích năng Bác Ái, huyện Bác Ái, như: hồ sơ thiết kế, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng…
NDĐT - Ngày 4-12, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức cuộc họp, bàn giải pháp để tháo gỡ những khó khăn liên quan của dự án trọng điểm Thủy điện tích năng Bác Ái, huyện Bác Ái, như: hồ sơ thiết kế, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng…
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái thuộc danh mục các dự án nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016, giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Dự án được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt tại Quyết định số 99/QĐ-EVN ngày 12-5-2015, với quy mô công suất 1.200 MW (300 MW x 4 tổ máy); điện lượng ước khoảng 1.614.000.000 kWh; số giờ chạy trong năm khoảng 1.345 giờ; tổng mức đầu tư là 21.101.468,00 triệu đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn; trong đó giai đoạn một, sẽ thi công công trình cửa xả bảo đảm tiến độ tích nước hồ chứa nước Sông Cái vào đầu tháng 4-2021; giai đoạn hai, thi công công trình chính vào đầu năm 2022, bảo đảm tiến độ phát điện vào tháng 12-2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2028.
Tuy nhiên, hiện nay dự án này đang gặp một số vướng mắc, vì nhiều diện tích đất thực hiện dự án bị vướng vào đất rừng phòng hộ đặc dụng. Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái có diện tích được xét duyệt trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Ninh Thuận là 280 ha (theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 28-3-2013 của Chính phủ). Trên cơ sở Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 22-1-2014 về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, đơn vị thiết kế đã sơ bộ thiết kế tổng mặt bằng dự án và xác định diện tích đất sử dụng cho dự án là 245,54 ha, trong đó, đất sử dụng cho các hạng mục công trình chính là 183,25 ha; đất cho các công trình phụ trợ là 62,16 ha. Theo đó, EVN đã có tờ trình, xin cơ chế thực hiện phân kỳ đầu tư giai đoạn một và hai của dự án. Đến thời điểm này, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng đã được EVN thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh và các quy định hiện hành. Hồ sơ báo cáo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp các hạng mục giai đoạn một của dự án đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức thẩm định và đang chờ cấp có thẩm quyền ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Đối với hạng mục giai đoạn hai của dự án, hồ sơ kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đang được đơn vị tư vấn triển khai chưa hoàn thành, nên Ban Quản lý dự án điện 3 chưa trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.
Theo lãnh đạo EVN, vướng mắc lớn nhất là diện tích 280 ha đã được quy hoạch xây dựng dự án đang nằm trong diện tích đất quy hoạch ba loại rừng phòng hộ của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2025 (theo quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh). Diện tích đất sử dụng cho dự án là 245,41 ha, lớn hơn 50 ha theo Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH 14 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, thì phải trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Để dự án có thể bắt đầu thi công vào tháng 4-2021, bảo đảm mục tiêu, tiến độ, EVN đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận sớm quyết định đưa diện tích hơn 177 ha đất thuộc quy hoạch ba loại rừng theo Quyết định 199 của tỉnh nằm trong khoảng 183,25 ha đất sử dụng lâu dài của dự án ra khỏi quy hoạch ba loại rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo phải thể hiện cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo đúng lộ trình, thời gian cụ thể; EVN cần có kế hoạch chi tiết, sát thời gian và việc phối hợp với tỉnh để triển khai cụ thể các công việc liên quan đến dự án, để mang lại hiệu quả. Các địa phương nhanh chóng tổng rà soát, hệ thống ngay các phần diện tích của dự án, báo cáo cho UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm để HĐND ban hành Nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục và sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng.
Phó Chủ tịch Phạm Văn Hậu, nói: “Tuy có vướng mắc khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, nhưng với chiến lược và mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn EVN và các bộ, ngành sẽ tập trung phối hợp để tháo gỡ, sớm xây dựng và đưa dự án vào hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tương lai”.
UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã bàn bạc một số giải pháp để từng bước giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo của nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận đang nằm trong tình cảnh bị giảm phát khi hòa lưới điện quốc gia.