Tìm kiếm danh mục đầu tư 'an toàn'

Quản trị rủi ro luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động.

Theo chuyên gia MSVN, ngành năng lượng được xem là “an toàn” trong giai đoạn này

Theo chuyên gia MSVN, ngành năng lượng được xem là “an toàn” trong giai đoạn này

“Yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu”

Đây là quan điểm của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment bank (MSVN) khi được hỏi về cách tìm kiếm danh mục “an toàn”.

Kể câu chuyện một nhà đầu tư nhờ tư vấn rằng có nên mua cổ phiếu TCB ở vùng giá hiện tại hay không, ông Thành bảo, điều đầu tiên nhà đầu tư này cần xác định sẽ nắm được cổ phiếu TCB trong bao lâu, bởi trong ngắn hạn, khi giá cổ phiếu đã chạy được 10% thì rủi ro xảy ra điều chỉnh là có. Vấn đề là nhà đầu tư xác định, kể cả có điều chỉnh (chẳng hạn 7%) mà với các phân tích của mình thì có chịu được không? Nếu nhà đầu tư xác định cầm 12 tháng và chịu đựng được mức điều chỉnh 7% thì đây là cổ phiếu rủi ro thấp, là “an toàn” với họ. Khi xác định mức độ an toàn, cần đánh giá mức độ rủi ro của thị trường, ngành trong chu kì sắp tới, xác suất, và nếu xảy ra thì khả năng chịu đựng đến mức nào.

Nhìn thị trường năm 2024, ông Thành cho rằng, cả ba yếu tố tác động chính đến thị trường chứng khoán, gồm thanh khoản, chi phí vốn (lãi suất) và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết (là yếu tố nền tảng) - đều đang cho thấy khả quan, tốt hơn năm 2023. Dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi ổn định xuyên suốt năm 2024 với tiêu điểm là sự phục hồi tiêu dùng nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tình hình tài chính của hộ gia đình ổn định hơn và sự hồi sinh dần của thị trường bất động sản. Trong kịch bản cơ bản, không có nâng hạng thị trường, với thanh khoản hiện nay dao động từ 500 - 800 triệu USD/ngày, thì thị trường có thể đi lên khoảng 15%. Còn nếu có tín hiệu tích cực từ việc nâng hạng thị trường, thanh khoản sàn HOSE có thể đạt 1,2 - 1,5 tỷ USD/phiên nhờ sự hứng khởi của dòng tiền trong nước cộng thêm dòng tiền nước ngoài. Khi ấy VN-Index có thể quay lại mức 1.400 điểm.

Vậy rủi ro sẽ là gì? Ông Thành nhìn nhận, trong 6 tháng tới, nhà đầu tư vẫn còn nhiều băn khoăn về khả năng phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế - nhiều yếu tố vẫn đang “hỗn loạn”: tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản, tình hình xuất khẩu – rất quan trọng, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, nguồn thu ngoại tệ - chưa có tín hiệu rõ ràng để thực sự an tâm; các rủi ro “thiên nga đen” – đó là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trước áp lực đáo hạn trái phiếu lớn thì liệu có vượt qua được hay không và cả những quan sát về thay đổi lãnh đạo cấp cao ở nhiều nước trên thế giới

“Nhìn nhận trên cả góc độ khách quan và chủ quan, từ cơ hội đến rủi ro, thì triển vọng thị trường chứng khoán 2024 vẫn là đi lên, nhưng có biến động khá cao trong nửa đầu năm khi các yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong trường hợp rủi ro, chỉ số VN-Index có thể kiểm nghiệm lại ngưỡng 1.080 điểm, tương ứng giảm 8% so với hiện nay. Giả định chỉ số tăng trưởng 15% trong năm nay, mà rủi ro ngắn hạn là 8% thì chưa quá hấp dẫn khi cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro, từ đó, nhà đầu tư nên cân nhắc trạng thái danh mục ở mức vừa đủ, chưa thể “all in”.

Từ góc nhìn của ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích, Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, những cổ phiếu được xem là an toàn sẽ không có tính mùa vụ quá nhiều, chẳng hạn các doanh nghiệp xuất sắc như FPT – lúc nào cũng tăng trưởng đều, hợp đồng ký mới năm nay tăng trưởng 30% so với năm trước – thì khi thị trường xấu sẽ giảm ít hơn, còn thị trường tăng thì tăng mạnh. Ngược lại, các cổ phiếu ngành thép, hay cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan nhiều đến thị trường hàng hóa thì trong giai đoạn kinh tế suy thoái sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh.

Nói về cổ phiếu “an toàn”, theo ông Bình, cũng cần nói về Hệ số Beta – đo lường rủi ro hệ thống của một danh mục, hoặc của một cổ phiếu. Beta bằng 1 thì cổ phiếu có xu hướng đi song song với thị trường; beta 2 lần thì khi thị trường tăng 1%, cổ phiếu tăng 2%, và cũng diễn biến tương tự khi thị trường giảm. Thông thường trong thị trường giảm giá,nhà đầu tư nên hạn chế tỷ trọng vào các cổ phiếu có beta cao vì có thể khiến danh mục giảm mạnh hơn thị trường rất nhiều. Còn khi thị trường quay lại uptrend thì các cổ phiếu có beta cao thì sẽ khả quan. Thậm chí, các quỹ đầu tư, khi thị trường biến động thì để bảo vệ danh mục đầu tư, đưa về trạng thái an toàn hơn, thì cũng phải tìm cách tăng hoặc giảm tỷ trọng beta (ưu tiên beta thấp, giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu beta cao).

Chọn danh mục an toàn

Được biết, nhiều tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thường sử dụng mô hình Investment Clock - “đồng hồ đầu tư” (chu kỳ thị trường chia 4 giai đoạn: Suy thoái – Hồi phục – Bùng nổ - Giảm tốc - PV) để tìm ra đặc điểm những ngành phù hợp, hưởng lợi đầu tiên cho từng chu kỳ.

MSVN cũng xây dựng Investment Clock, chia thành 4 giai đoạn: Rủi ro cao (như giai đoạn 2022 là bán tháo mạnh) thì phải đi vào các ngành phòng thủ, là những cổ phiếu có biến động thấp dựa trên chỉ số beta. Khi đồng hồ đầu tư dịch chuyển sang trạng thái Hy vọng, vừa vượt qua đáy và chấp nhận được một chút rủi ro thì chọn các nhóm cổ phiếu bớt phòng thủ hơn, có thể chọn cổ phiếu có beta 0,9 - 1 lần (những cổ phiếu biến động cùng thị trường). Đầu năm nay, có thể chứng kiến những cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi khi có các đặc điểm như beta nằm ở vùng trung bình như ACB, hay chuyển sang ngân hàng có yếu tố Nhà nước mà nhà đầu tư cho là rất an toàn như VCB, BID, CTG, MBB. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa “rất an toàn” sang “chấp nhận một chút rủi ro”.

Theo ông Thành, ở giai đoạn chuyển đổi chu kỳ kinh tế, những ngành được Chính phủ ưu tiên đẩy mạnh để vừa đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa xây dựng định hướng chính sách cho cả một chu kỳ lớn, tạo nền tảng cho phát triển dài hạn được xem là ngành an toàn. Như thực tế hiện nay, chuyên gia này đánh giá, đó là ngành liên quan đến năng lượng, gồm khai thác dầu khí, chẳng hạn PVD. Không chỉ là biến động theo giá dầu toàn cầu, mà hiện nay, Việt Nam định hướng tăng cường khai thác dầu khí nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì sức hút với dòng vốn FDI. Cộng thêm Quy hoạch điện 8 với mục tiêu dịch chuyển dần sang năng lượng sạch, thì điện khí vẫn đang là chủ đạo. Giai đoạn trước 2022 - 2023, Việt Nam không mở rộng khai thác, các mỏ khí và mỏ dầu hiện cần khai thác mới. Theo đó, những doanh nghiệp như PVD, PVS dù giá dầu có biến động thì hoạt động khai thác ở giai đoạn này vẫn được tiếp tục.

Lĩnh vực xây dựng hạ tầng (vẫn tập trung vào hạ tầng năng lượng) nên những doanh nghiệp xây dựng hệ thống hạ tầng điện như PC1 được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh kinh tế số, tức cần hệ thống chuyển tải dữ liệu (chẳng hạn trạm phát sóng 5G) thì những doanh nghiệp như CTR sẽ hưởng lợi. Công nghệ cũng là xu hướng không nên bỏ qua.

Ngoài ra, ông Thành cũng lưu ý nhóm ngành “được đánh giá lại”, đó là những ngành từng bị “ngó lơ vì sợ rủi ro”, liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hay nhóm bán lẻ bị “te tua” giai đoạn trước cũng có thể được đánh giá lại trong năm 2024.

Với kịch bản cơ sở (VN-Index tăng 11%), chuyên gia MSVN yêu thích các doanh nghiệp có khả năng mang lại tăng trưởng lợi nhuận vững chắc hoặc vượt trội như MWG, PVD, MBB, STB và NLG. Nhà đầu tư có thể lựa chọn thêm các cổ phiếu phòng thủ hơn, có vị thế tiền mặt ròng và lịch sử chi trả cổ tức đều đặn như VNM, FPT, PNJ, VEA và KDH…

Với kịch bản tích cực, MSVN yêu thích các cổ phiếu vốn hóa lớn và beta cao hơn, đặc biệt là những cổ phiếu còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các cổ phiếu đã chọn trong kịch bản cơ sở, danh mục trọng tâm mà công ty này hướng tới bao gồm MWG, MSN, FRT, DGW (bán lẻ), NLG, PDR, DXG (bất động sản), HPG (thép), VCB, TCB, HDB, STB (ngân hàng), PVD, PVS (năng lượng) và FPT (IT).

Khuyến nghị về chiến lược đầu tư, ông Trương Quang Bình cho rằng, nhóm ngành có thể tích lũy cổ phiếu 2024 thì không thể thiếu ngành công nghệ và FPT luôn là ưu tiên. Ngành thứ hai là năng lượng, trong đó PC1 là cổ phiếu có nhiều "chất xúc tác", hay POW - được định giá rất thấp trong quá khứ. Ngành thứ 3 là dầu khí, với PVD khá tiềm năng. Còn ngành tiêu dùng, ông Bình lưu ý PNJ do đã có đà hồi phục mạnh về hiệu quả kinh doanh trong năm 2023. Với ngành ngân hàng, tập trung vào ngân hàng có chất lượng tài sản cao như ACB, VCB…

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tim-kiem-danh-muc-dau-tu-an-toan-post338573.html