Tìm kiếm giải pháp cho cấp nước, thoát nước của đô thị Đà Nẵng
Quá trình đô thị hóa nhanh đã dẫn đến một thử thách lớn mà đô thị Đà Nẵng đang hứng chịu đó là thách thức về cấp nước cũng như thoát nước trong đô thị. Thách thức này đã diễn ra và điển hình là tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian vừa qua tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó là vấn đề thoát nước cũng là một thực trạng lớn tại đây, nhất là tình trạng thoát nước ra bờ biển gây ô nhiểm môi trường, tình trạng ngập úng do mưa lớn trong các khu dân cư.
Để tìm giải pháp cấp nước, thoát nước đô thị bền vững, sáng 12/10, Hội Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan cùng tổ chức hội thảo tìm giải pháp cho lĩnh vực cấp nước, thoát nước của đô thị Đà Nẵng.
Đại diện các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu cùng với cơ quan quản lý nhà nước tìm giải pháp cấp nước, thoát nước bền vững cho đô thị Đà Nẵng
Thực trạng thoát nước thải của Đà Nẵng
Sự phát triển mở rộng đô thị làm cho Đà Nẵng giảm số lượng hồ điều tiết trong thành phố từ 42 hồ còn 30 hồ, tương ứng với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha, với dung tích tối đa khoảng 3,5 triệu m3. Các vùng đất trũng thấp chứa nước của đô thị cũng dẫn bị mất đi thay vào đó là mật độ bê tông hóa cao dẫn đến mất hệ số thấm, tăng tốc độ chảy tràn, nước tràn xuống công nhanh và nhiều hơn gây ngập, nghẽn, tê liệt toàn bộ hệ thống cống...
Mật độ dân sinh cũng ngày càng đông hơn, dẫn đến công suất xả thải lớn hơn, kéo theo hệ thống xử lý nước thải cần phải tăng quy mô, công suất, dẫn đến không thể đặt hệ thống ngay trong khu dân cư như xưa đã làm nữa vì công suất ô nhiễm và mùi hôi tăng lên nhiều lần. Các bể xử lý quá công suất khi các trận mưa bắt đầu buộc phải ra lệnh đóng các miệng nhận nước thải, chấp nhận xả thải qua các giếng tách dòng CSO làm xả tràn ra bãi biển du lịch tại Mỹ Khê hay tại khu vực vịnh Thanh Bình hiện đang diễn ra. Phần đô thị bị nén nhiều nhất gây áp lực cho hệ thống thoát nước là phần lõi đô thị cũ hiện chiếm khoảng 60% diện tích hiện tại của thành phố.
Việc tăng mật độ dân cư đồng nghĩa tăng công suất nước thải đi trong hệ thống hiện có về đến các miệng xả hiện hữu. Theo Cty CP cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) vào năm 2008 công suất cấp bình quân hàng ngày 120 ngàn m3 nước/ngày. Nhưng con số này sau khi hoàn thành Dự án cấp nước thành phố giai đoạn II năm 2015 là 325 ngàn m3 nước/ngày, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Công suất cấp tăng càng ngày càng nhanh theo từng năm gây gánh nặng cho hệ thống thoát nước đô thị.
Trong khi đó phát triển thực tế của đô thị Đà Nẵng hiện nay, tính toán công suất cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung đặc biệt trong lĩnh vực cấp thoát nước, giao thông, điện… hiện nay đều dựa trên quy mô dân cư của Đà Nẵng mà không dựa theo quy mô dân số tăng đột biến tại các thời điểm lễ hội và mùa du lịch, đó là chưa thêm tình huống bất lợi khi có mưa giông vào mùa hè. Chính các thời điểm này làm tăng đột biến lượng nước thải sinh hoạt trong cống dẫn đến tăng công suất xử lý nước thải, nhà máy quá công suất nên buộc phải xả tràn nước thải ra bờ biển và làm ô nhiễm bờ biển nhiều lần như hiện nay.
Đô thị hiện đại nhưng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Có thể nói, đợt thiếu nước sạch sinh hoạt vừa qua của Đà Nẵng do nguồn nước bị nhiễm mặn là một trong những thách thức lớn đối với chính quyền nơi đây. Khoảng 1,1 triệu dân Đà Nẵng chỉ dựa vào nhà máy nước cầu Đỏ mà chưa có nguồn dự phòng nào khác. Trong khi đó, nguồn nước cấp an toàn cho nhà máy nước cầu Đỏ chủ yếu phụ thuộc vào dòng chảy từ các công trình thủy điện lớn đang hoạt động như Đăkmi 4. Chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ m3.
Bên cạnh đó phía hạ lưu thì chịu ảnh hưởng lớn của xâm nhập mặn từ phía cửa sông Hàn với mức độ và tần suất ngày càng gia tăng. Trước đây nhiễm mặn tại sông cầu Đỏ chỉ xuất hiện trong một vài tháng mùa kiệt mỗi tháng chỉ 3-5 ngày. Từ năm 2013 trở lại đây thì 187 ngày, xuất hiện cả trong mùa lũ và mùa kiệt.
Giải pháp nào cho cấp nước, thoát nước của đô thị Đà Nẵng?
Đề xuất giải pháp cho vấn đề thoát nước và xử lý nước thải của Đà Nẵng, đại diện Cty TNHH Mục tiêu môi trường và Công cộng (EPT) đã đưa ra giải pháp và cho rằng giải quyết nhanh tình huống mà ít tốn kém giúp đối phó cấp bách các vấn đề thoát nước và xử lý nước thải nổi cộm của TP Đà Nẵng đang gặp phải. Không để cống tách dòng CSO xả tràn ra biển Mỹ Khê, tăng nhanh 30-50% công xuất nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân nhằm đáp ứng cho công suất xử lý trong những năm sắp tới, xử lý nhanh cho các ao, hồ, bàu, vịnh đang bị ô nhiễm nặng, màu nước đen, bốc mùi hôi thối.
Đồng thời EPT bảo đảm có bảo hiểm hành nghề thiết kế tư vấn cho từng công trình cụ thể. Đơn vị bảo hiểm quốc tế như Đức, Mỹ có chi nhánh tại Việt Nam sẽ đền bù thỏa đáng nếu như công tác tư vấn, thiết kế của EPT không đáp ứng đúng đủ yêu cầu mà chủ đầu tư đề ra.
Đối với vấn đề về cấp nước an toàn cho nhà máy nước cầu Đỏ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã đề xuất giải pháp chuyển vị trí khai thác thô của nhà máy nước cầu Đỏ lên thượng lưu đập dân An Trạch. Giải pháp này tuy đảm bảo được yêu cầu luôn lấy được nước không bị nhiễm mặn nhưng sẽ làm tăng chi phí vận hành trạm bơm nước thô lên rất lớn dẫn đến phải tăng giá nước. Vì vậy sẽ rất khó khả thi trong thực tế.
TS Hoàng Ngọc Tuấn - Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đề xuất giải pháp xây dựng một công trình đập ngăn mặn ở hạ lưu nhà máy nước cầu Đỏ.
Theo TS Hoàng Ngọc Tuấn - Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thì giải pháp khả thi nhất đó là xây dựng một công trình đập ngăn mặn ở hạ lưu nhà máy nước cầu Đỏ. Với giải pháp này thì sẽ ngăn mặn một cách chủ động không cần đến sự can thiệp từ phía thượng nguồn.
Các đập ngăn mặn này có thể xây dựng đập trụ đỡ, đập phao hoặc xây dựng đập tạm bằng bao tải cát và đất tạo hồ chứa nhân tạo trong mùa nắng để chủ động lấy nước. Vị trí đập có thể xây dựng cách hạ lưu nhà máy nước cầu Đỏ 200m. Đây là vị trí đảm bảo điều kiện về địa hình, địa chất thuận lợi để xây dựng công trình đập ngăn mặn.