Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là mệnh lệnh trái tim
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia không chỉ là nhiệm vụ chính trị cao cả, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là mệnh lệnh trái tim.
Sinh ra và lớn lên trong thời bình, dù không trực tiếp tham gia và phục vụ chiến đấu, nhưng được tham gia đội hình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ thiêng liêng đối với các cán bộ, chiến sĩ trong Đội K70, K71 thuộc Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Tây Ninh, Quân khu 7.
Mong muốn lớn nhất của các anh là làm sao quy tập và đưa hết hài cốt của liệt sĩ về với đất mẹ, góp phần nguôi đi nỗi đau của người ở lại, đó cũng là trách nhiệm, sự tri ân của những người còn sống với những người đã ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc.
Nhiều năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị đề cao, nhưng công tác này chưa bao giờ dễ dàng. Lắng nghe câu chuyện từ người trong cuộc, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự mất mát, đau thương của thời chiến và khâm phục hơn những người lính thời bình không ngại khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ cao cả này.
Thượng tá Nguyễn Đức Thuận, Đội trưởng Đội K71, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh chia sẻ, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gắn với nhiều nỗi niềm, vui buồn lẫn lộn. Vui là khi tìm được hài cốt và đưa được các anh về với vòng tay của gia đình, nhưng sâu thẳm phía sau là nỗi buồn vô tận bởi sự hy sinh của thế hệ cha anh quá lớn, những đau thương mất mát đó không bao giờ chữa lành được.
Thượng tá Thuận bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tìm thấy hai liệt sĩ dưới giếng trong đợt 2 của giai đoạn mùa khô năm 2022. Thông qua nhiều nguồn thông tin do người dân địa phương cung cấp, các cán bộ, chiến sĩ Đội K71 tiếp cận các khu vực để đào tìm liệt sĩ.
“Lúc đó chúng tôi tiếp nhận rất nhiều nguồn tin, trong khi đào, người chỉ bên góc ruộng, người chỉ bên góc gò mối, người lại chỉ đám ruộng bên kia nên anh em chia nhau ra đào. Đến lúc có người chỉ ngay chỗ cái giếng, anh em đào tầm một mét rưỡi thì thấy cái giếng, sau đó người dân hỗ trợ đi mượn thùng và dây để múc nước lên. Cứ múc đến đâu cạn đến đó, cạn đến đâu đào đến đó, một lúc sau múc trúng vải thì nhìn thấy hài cốt, mọi người chia nhau gom lên từng khúc, chủ yếu là tìm trong bùn”;
“Khi tìm thấy hai hài cốt liệt sĩ dưới giếng, anh em tôi bùi ngùi, không kìm được nước mắt, nhiều người phải quay qua chỗ khác để khóc, đó là sự tiếc nuối không thể nào diễn tả được, còn hơn cả người thân”, Thượng tá Thuận chia sẻ.
Theo Thượng tá Thuận, sau thời kỳ chiến tranh, trên đất bạn Campuchia còn nhiều hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh. Hầu hết những hài cốt này do người dân địa phương chôn cất, nên có nhiều hài cốt nằm dưới ruộng, hầm, hố, giếng…
“Mỗi khi tìm được hài cốt, chúng tôi có rất nhiều cảm xúc, như hài cốt của hai liệt sĩ hy sinh năm 70, toàn bộ anh em đều rớt nước mắt, cảm thấy xót xa. Sống chiến đấu, chết vinh quang nhưng lúc ngã xuống các anh cũng không được chôn cất đàng hoàng”, Thượng tá Thuận nhói lòng kể lại.
Nhiều năm qua, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo 515 Quân khu 7, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Tây Ninh, các cán bộ, chiến sĩ trong hai Đội hình K70, K71 luôn an tâm tư tưởng và xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia là nhiệm vụ nhân văn cao cả, họ thực hiện bằng mệnh lệnh trái tim, làm sao để đưa các hài cốt về nước một cách an toàn, đảm bảo nhanh, gọn và nhiều nhất.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời phối hợp với chính quyền, lực lượng bảo vệ cũng như nhân dân trên địa bàn đứng chân để nắm và khảo sát thông tin, tổ chức tìm kiếm nhằm đạt đến kết quả cao nhất.
Hiện nay, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, do chiến tranh đã lùi xa, tốc độ đô thị hóa nhanh và xây dựng các công trình phục vụ kinh tế, dẫn đến địa hình, địa vật thay đổi nhiều; các nhân chứng cung cấp thông tin đã qua đời hoặc già yếu, trí nhớ kém, làm cho việc xác định vị trí nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn; thời tiết khắc nghiệt; các đảng phái đối lập với Đảng nhân dân Campuchia tuyên truyền vận động gây chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin và kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 7, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Tây Ninh, trực tiếp là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng sự giúp đỡ của cơ quan đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả cao.
Thượng tá Thuận cũng mong muốn, Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt là Ban Chỉ đạo quốc gia quan tâm, bảo đảm phương tiện và các điều kiện để công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia đạt nhiều kết quả hơn trong thời gian tới.
Từ năm 2001 đến nay, Bộ CHQS tỉnh - Thường trực Ban chỉ đạo 515 tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận và xử lý 7.646 thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ (4.000 thông tin ở các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, 3.646 thông tin trên địa bàn tỉnh Tây Ninh). Qua đó, đã quy tập được 6.205 hài cốt liệt sĩ (5.079 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập ở Campuchia (Đội K70: 2128; Đội K71: 2951); 1.126 hài cốt liệt sĩ, 1 hố chôn và 1 bãi mộ tập thể được tìm kiếm, quy tập ở trong nước.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tim-kiem-quy-tap-hai-cot-liet-si-la-menh-lenh-trai-tim-402838.html