Tìm kiếm thông tin sức khỏe trên TikTok và những 'hiểm họa' đang chờ phía trước
Mặc dù xu hướng tìm kiếm thông tin trên TikTok đang vượt qua cả trên Google nhưng không có nghĩa là tất cả thông tin trên đó đều chính xác.
Xu hướng tìm kiếm thông tin trên TikTok ngày càng tăng
Kể từ khi ra mắt, TikTok đã trở thành nền tảng truyền thông xã hội với mọi loại thông tin bạn muốn tìm. Theo thông tin đưa trên trang dữ liệu Adweek, TikTok dường như là ứng dụng mạng xã hội dành cho GenZ (những người sinh từ năm 1997 đến 2012). Theo đó, 40% người dùng là GenZ thích sử dụng TikTok và Instagram để tìm kiếm hơn là Google.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giờ đây giới trẻ cũng thích tìm hiểu các vấn đề về giáo dục giới tính trên TikTok hơn các bài học ở trường.
HealthTok là một trong những nhóm nội dung phát triển nhanh nhất trên nền tảng truyền thông này. Hashtag #Sứckhỏe có tới 50 tỷ lượt xem, trong đó 1,5 tỷ lượt là về chủ đề sức khỏe tình dục.
Theo nghiên cứu công bố bởi Superdrug Online Doctor (SOD), với 2.000 người trên khắp Vương quốc Anh, thì 80% trong số họ sử dụng mạng xã hội để tiếp cận các thông tin sức khỏe. 43% cho biết họ tìm hiểu về vấn đề tình dục trên TikTok nhiều hơn là từ trường học. Hơn 42% tin rằng TikTok là nền tảng dễ tiếp cận nhất cho nội dung liên quan đến sức khỏe.
Đối với các nhóm tuổi trẻ, tìm kiếm thông tin giáo dục giới tính qua TikTok thậm chí còn phổ biến hơn. 55% thanh niên 16-24 tuổi đồng ý rằng họ đã tìm hiểu thêm về tình dục trên TikTok.
Thật thú vị, đàn ông nói chung cũng có khả năng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cao gấp đôi so với phụ nữ.
Không phải thông tin nào trên TikTok cũng chính xác
Mặc dù xu hướng tìm kiếm thông tin trên TikTok đang vượt qua cả trên Google nhưng không có nghĩa là tất cả thông tin trên đó đều chính xác. 59% người tham gia nghiên cứu của SOD cho biết họ thấy thông tin sức khỏe tìm được trên TikTok không đúng sự thật hoặc gây hiểu lầm. Lý do là không có các quy trình kiểm duyệt mang tính chuyên môn, mạng xã hội là nơi bất kỳ ai cũng có thể đăng tải nội dung về chủ đề có tính tác động đến người xem.
Kennedy Claud, nghiên cứu sinh về sức khỏe và sinh lý con người tại Đại học Arizona, đã nói về những thông tin sai lệch hiện đang xuất hiện và không được kiểm soát trên TikTok như sau: "Trên TikTok gần đây, tôi đã thấy một lượng lớn thông tin sai lệch liên quan đến sức khỏe và sinh lý con người. Tuy nhiên, trong các bình luận rất rõ ràng mọi người không biết thông tin này có chính xác hay không. Người chủ tài khoản sẽ chặn và xóa bình luận để lan truyền thông tin. Thật bực bội khi không có quy định nào và nhiều người đã dành cả thời gian, tiền bạc để học theo các kiến thức đó".
Theo các chuyên gia, thông tin sai lệch về sức khỏe trên phương tiện truyền thông xã hội có thể gây ra những tổn hại. Nội dung không chính xác, gây hiểu lầm có thể khiến mọi người tự chẩn đoán sai và gây lo lắng không cần thiết do thiếu kiến thức chuyên môn.
Khảo sát của Superdrug Online Doctor cũng nhấn mạnh rằng xem các nội dung sai lệch còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, sự tự tin, các mối quan hệ cá nhân và đời sống của mọi người. Hơn 50% tình nguyện viên cho biết các thông tin không chính xác trên TikTok ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống của họ.
Ví dụ, một người dùng mạng xã hội trẻ tuổi đến từ London đã chia sẻ với Superdrug Online Doctor như sau: "Sau khi nhận thấy một số bất thường ở âm đạo, tôi đã lên TikTok để xem những triệu chứng này có thể là gì và tôi tin rằng mình đã bị nhiễm chlamydia (một loại bệnh tình dục). Tôi quẫn trí, bối rối và sợ hãi. Tôi đã tin rằng mình bị bệnh và thế là tôi đến gặp bác sĩ đa khoa. Bác sĩ thông báo tôi chỉ đơn giản là bị tưa miệng - một bệnh nhiễm trùng nấm men phổ biến. Tôi rất hối hận, nếu tôi tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi 'nhảy' lên mạng xã hội thì tôi có thể đã không phải chịu nhiều đêm mất ngủ".
Làm thế nào để tránh rơi vào bẫy nội dung sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội?
"Làm thế nào để tránh rơi vào bẫy nội dung sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội?" là câu hỏi được rất nhiều người dùng các nền tảng truyền thông quan tâm, đặc biệt ở lĩnh vực sức khỏe. Smriti Joshi, chuyên gia tâm lý học tại Viện Sức khỏe Viễn thông, cho biết mạng xã hội có các thuật toán kết nối để thu hút bạn vào những mẩu thông tin liên quan với nhau. Vì vậy, điều quan trọng là cần kiểm tra tính chính xác của từng thông tin riêng biệt.
Smriti Joshi đã chia sẻ những lời khuyên hàng đầu của mình về cách tránh bị đánh lừa bởi thông tin sức khỏe không chính xác trên phương tiện truyền thông xã hội như sau:
"Luôn đảm bảo kiểm tra nguồn thông tin bạn đang truy cập. Nó có phải từ người đáng tin cậy như cơ sở y tế quốc gia hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ, được cấp phép hay không. Truy cập trực tiếp vào các trang thông tin chính thống của những nguồn' này sẽ giúp bạn tránh theo dõi những bài đăng gây hiểu lầm", bà Smriti Joshi nói.
Hãy có lập trường và luôn tự hỏi "liệu điều này có phù hợp với mình không". Hãy suy nghĩ về thông tin mình nhận, xem nó có giống với các thông tin khác mà bạn đã đọc hoặc đã làm không.
"Các mẹo khác để phát hiện thông tin sai lệch là hỏi ý kiến từ các bác sĩ. Đừng tham gia vào một trào lưu hoặc thử thách nào đó về sức khỏe trên các nền tảng xã hội cho dù nó được nhiều người làm theo. Cơ thể mỗi người khác nhau, vì vậy, tốt nhất là nên nhận lời khuyên từ những "nguồn" đáng tin cậy một cách có hiểu biết", tiến sĩ Smriti nói thêm.
Nguồn: Huffington post, Yahoo