Tìm loài cây sinh lời trên những triền đất dốc

Trong 5 năm trở lại đây, tinh bột sắn và sắn lát có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ đồng bào vùng cao.

Lợi thế từ cây sắn

Sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan.

Sắn là một trong những cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo. Ảnh: TTXVN

Sắn là một trong những cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê, năm 2023, tổng diện tích sắn toàn quốc đạt 511.433,4 ha, trong đó diện tích sắn các tỉnh phía Bắc đạt 156.400 ha (chiếm 30,6% tổng diện tích sắn cả nước); năng suất bình quân đạt 147,2 tạ/ha (bằng 72,4% năng suất sắn cả nước); sản lượng đạt 2.301.500 tấn (chiếm 22% sản lượng sắn cả nước).

Số liệu báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 19 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, tổng diện tích sắn trồng trên đất dốc đạt 130.487,4 ha (chiếm 83,4% tổng diện tích sắn toàn miền),

Theo Tổng cục Hải quan năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2023 đạt 441,5 USD/tấn, tăng 2,1% so với năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,5% về lượng và chiếm 91% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.269.847 tấn, trị giá 571,313 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 6,65 % về lượng, nhưng tăng 8,08 % về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 452,9 USD/tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khuyến khích phát triển ngành sắn

Giá trị của cây sắn đã rõ ràng, nhưng theo các địa phương, sự phát triển sắn ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, nhận thức của người dân và một số địa phương về cây sắn còn chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn coi cây sắn là cây trồng có ảnh hưởng đến chất lượng đất hay sản lượng của các cây trồng khác.

Việc các nhà máy được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu, các vùng nguyên liệu được quy hoạch và đầu tư cho năng suất cao có thể phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất cây sắn. Ảnh: TTXVN.

Việc các nhà máy được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu, các vùng nguyên liệu được quy hoạch và đầu tư cho năng suất cao có thể phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất cây sắn. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó, người dân thường trồng sắn theo hình thức quảng canh, không đầu tư, sản xuất bị động, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu còn hạn chế; thiếu đầu tư nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc dẫn đến năng suất thấp.

Do còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để định hướng cho việc đầu tư, phát triển ngành hàng sắn…

Đơn cử như tại Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Sắn là một trong những cây trồng có diện tích, sản lượng và có hiệu quả kinh tế khá tại tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại và liên kết giữa nhà máy, doanh nghiệp với người trồng sắn chưa được chặt chẽ đã làm diện tích trồng sắn giảm dần qua các năm. Từ năm 2014 đến nay, diện tích giảm trên 50%. Theo số liệu thống kê năm 2024, diện tích trồng sắn đạt 7.788 ha.

Để tiếp tục ổn định, duy trì diện tích và phát triển các kỹ thuật trồng sắn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh phải xác định vị trí, tầm quan trọng của cây sắn, là cây phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân, đồng thời góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2024, Yên Bái tiếp tục phát triển sản xuất sắn bằng cách tập trung sản xuất diện tích lớn ở vùng quy hoạch phục vụ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tại huyện Văn Yên và Yên Bình, chế biến sắn với công suất 150.000 tấn sắn củ tươi/năm. Việc các nhà máy được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu, các vùng nguyên liệu được quy hoạch và đầu tư cho năng suất cao có thể phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất cây sắn.

Để sản xuất cây sắn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các tỉnh phía Bắc, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững, phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sinh thái; tổ chức sản xuất giống sắn sạch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sắn; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về sắn và sản phẩm sắn; phát triển các quy trình kỹ thuật chế biến sắn và sản phẩm từ sắn phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo tạo thuận lợi cho đầu ra của các vùng trồng sắn trên đất dốc…

Liên quan đến việc sản xuất sắn và sản phẩm từ sắn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị, thời gian tới cần rà soát xây dựng các quy trình sản xuất sắn trên đất dốc theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện sinh thái. Thứ trưởng cũng cho rằng, các viện, doanh nghiệp trong Hiệp hội Sắn Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các bộ giống chất lượng hơn với hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn; tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, có quy trình hoàn thiện để người trồng sắn dễ áp dụng thực tế.

Việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn diện cho người dân và cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương về vai trò, hiệu quả kinh tế của cây sắn mang lại, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất sắn trên đất dốc bền vững; xây dựng chính sách bài bản, căn cơ, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật cho người dân…

Minh Thy/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/tim-loai-cay-sinh-loi-tren-nhung-trien-dat-doc-20240825161057608.htm