Tìm lời giải bài toán tăng nguồn cung lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tổng đàn lợn của cả nước hiện đạt gần 24 triệu con, bằng 74% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Nguồn cung sụt giảm, khiến giá thịt lợn từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Nông nghiệp - Nông dân -Nông thôn

 Lợn được tập kết tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục (Hà Nam).

Lợn được tập kết tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục (Hà Nam).

Bộ NN và PTNT cho biết, DTLCP xuất hiện tại nước ta (từ tháng 2-2019 đến nay) đã làm cho khoảng sáu triệu con lợn bị chết, đàn lợn ở nhiều địa phương giảm rõ rệt; trong đó 20 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt từ 50% đến 79% với 7,56 triệu con; 13 địa phương có tổng đàn đạt thấp nhất từ 31% đến 49% với 1,95 triệu con... Theo Sở NN và PTNT Hà Nam, trong đợt DTLCP năm 2019, tỉnh đã phải tiêu hủy tới 50% tổng đàn, gần bốn nghìn lợn nái bố mẹ. Ðơn cử như trang trại lợn quy mô lớn của ông Tống Văn Cường tại xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên phải tiêu hủy 400 lợn nái trong tổng số 600 lợn nái vì dịch bệnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 270 nghìn con lợn. Còn ở Nghệ An, tổng đàn có hơn 867 nghìn con lợn, giảm 7,19% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, nguồn cung lợn thiếu hụt trong thời gian qua là do việc tái đàn ở một số địa phương còn chậm bởi mầm bệnh DTLCP vẫn tồn dư trong môi trường chăn nuôi và rất nguy hiểm đối với lợn, vi-rút có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có vắc-xin điều trị cho nên nguy cơ dịch bệnh tái phát là hoàn toàn có thể. Mặt khác, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, người nuôi lợn còn tâm lý e dè vì sợ gặp rủi ro do dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, quy trình chăn nuôi bất cập, dẫn đến những độ trễ nhất định trong quá trình tái đàn. Như tại Quảng Ninh, việc tái đàn vẫn mang tính cầm chừng, thăm dò (khoảng 20%), chủ yếu tại các cơ sở chủ động được nguồn giống. Một vấn đề nữa cần lưu ý là ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng khan hiếm con giống và giá cao dẫn đến việc các hộ chăn nuôi gặp khó khi muốn nuôi lợn trở lại, bởi các cơ sở sản xuất lợn giống cần ít nhất từ năm đến bảy tháng mới có thể đủ số lượng cung cấp cho người nuôi lợn. Hiện lợn giống có trọng lượng khoảng 7 đến 8 kg/con trên địa bàn tỉnh Hà Nam được bán với giá 2,2 triệu đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn. Các trang trại có nguồn lợn giống thì bán nhỏ giọt cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chị Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương bán thịt tại Chợ Bầu (TP Phủ Lý) chia sẻ thêm, các hộ gia đình bây giờ nuôi lợn cũng ít hơn trước do lo ngại dịch bệnh, cho nên số lượng lợn đủ ngày xuất chuồng bán ra thị trường khan hiếm, thương lái mua cũng khó vì không có nhiều lựa chọn.

Thực tế cho thấy, đến nay chỉ một số tỉnh, thành phố có tín hiệu tái đàn lợn khả quan. Các cơ sở chăn nuôi (không bị DTLCP hoặc dịch đã qua 30 ngày không phát sinh) trên địa bàn TP Hà Nội đã tái đàn được gần 480 nghìn con, dự kiến tới đây sẽ tiếp tục tăng, phấn đấu đưa tổng đàn lợn đạt mức 1,8 triệu con như trước khi có dịch. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo kế hoạch hết quý IV - 2020, tỉnh phấn đấu nâng quy mô lợn nái lên khoảng hơn 50 nghìn con; từng bước khôi phục quy mô đàn lợn thịt lên hơn 300 nghìn con. Tại Bắc Giang, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lê Văn Dương, ngay sau khi công bố hết DTLCP tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thống kê các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có đủ điều kiện thì khuyến khích tăng đàn tối đa, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện đàn lợn của tỉnh đạt gần 910 nghìn con, lợn nái hơn 70 nghìn con. Ở Thanh Hóa, từ khi dịch được khống chế, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, trang trại đang tập trung tái đàn, tổng đàn lợn có xu hướng tăng trở lại.

Theo nhận định của các chuyên gia, muốn tăng đàn lợn, thêm nguồn cung trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi có dịch nhưng đáp ứng đủ điều kiện và mở rộng quy mô đàn ở những nơi an toàn dịch, bảo đảm điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, tránh suy nghĩ hết dịch mới tái đàn khi DTLCP vẫn còn. Ðồng thời cần tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là DTLCP. Tiếp tục khẩn trương hoàn thành hồ sơ và chi trả kịp thời kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cho người chăn nuôi. Có chính sách hỗ trợ việc tái đàn (về tín dụng, ưu đãi lãi suất) và chính sách về đất đai để phát triển chăn nuôi trang trại. Về giống lợn, theo Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Ðức Tiến, đầu năm nay đã nhập hơn hai nghìn con lợn giống gốc, đến nay nhiều doanh nghiệp đã hoàn thiện xong thủ tục và chuẩn bị nhập tiếp hai nghìn con nữa. Như vậy sẽ có bốn nghìn lợn giống gốc cùng với 109 nghìn con có sẵn sẽ thêm nguồn cung cấp con giống phục vụ sản xuất tới đây.

Cùng với đó, cần chú trọng việc nâng cao chất lượng đàn giống. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ ở từng địa phương. Tiếp thu nhanh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cả về giống và công nghệ để cải tạo năng suất đàn giống. Chọn tạo các giống có năng suất, chất lượng phù hợp từng nơi, bảo đảm mỗi nơi có một đến hai giống chủ lực. Quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, không sử dụng con thương phẩm làm giống bố mẹ, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cần công bố tiêu chuẩn chất lượng giống. Kiểm soát các cơ sở sản xuất và cung ứng giống (kiểm tra đầu vào và kiểm soát đầu ra). Khuyến khích các hộ chăn nuôi mua lợn giống ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; khi tái đàn cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương và trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để sớm phát hiện và ngăn ngừa dịch bệnh cho lợn, đạt hiệu quả như mong muốn.

Nếu làm tốt và thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên, duy trì việc tái đàn lợn, nhiều khả năng đến cuối quý III, đầu quý IV nguồn cung thịt lợn sẽ được cân đối, góp phần bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bài, ảnh: Ðào Phương và Anh Quang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44347502-tim-loi-giai-bai-toan-tang-nguon-cung-lon.html