Tìm lời giải bài toán ứng phó thiếu nước cho 190 hecta nho Ninh Thuận
'Bài toán khó khăn về nước cung cấp cho 190 hecta cánh đồng nho, khả năng sẽ được giải quyết sau năm 2024'. Đó là thông tin từ ông Trần Hữu Nhân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó, Báo Lao động Thủ đô đã có bài viết về tình trạng nhiều vườn nho đang “thoi thóp”, phơi mình dưới ánh nắng gay gắt chờ nước tưới. Người trồng nho đang đối mặt với tình trạng khô hạn, rơi vào cảnh đứng ngồi không yên vì lo lắng về một vụ mùa thất thu. Các hộ dân tìm cách khoan giếng, đào ao… tích trữ nước tưới để cứu mùa màng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Hữu Nhân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết, các vùng như Thái An, Ninh Hải, Thanh Hải là những vùng khô hạn nhất của địa phương. Trong thời tiết nắng nóng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân, nếu không đủ nước tưới thì không nên cắt cành để nho ra hoa vào thời điểm này.
Ông Nhân cũng thông tin thêm, hiện nay, địa phương đang căn cứ vào lượng nước đang có để phân bổ, duy trì sự sống cho 190 hecta cánh đồng nho tại đây.
"Toàn bộ cánh đồng nho đều có các tổ theo dõi, báo cáo hàng tuần về cho UBND xã Vĩnh Hải. Căn cứ vào lượng nước đang có để phân bổ cho cánh đồng nho, trữ lượng mạch nước ngầm từ 6 đến 8m khả năng sẽ có nguồn nước ngầm. Bài toán khó khăn vì thiếu nước của 190 hecta cánh đồng nho, khả năng sẽ được giải quyết sau năm 2024", ông Nhân nói.
Liên hệ với Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, ông Đặng Kim Cương cho biết: “Tôi đang cùng đoàn công tác chống hạn ở địa phương. Đối với dự án liên thông các hồ chứa đang trong giai đoạn đấu thầu”.
Anh Đào Văn Sơn (nông dân tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, giá nho bán ra tại vườn ở mức 15.000 đồng/kg, giá bán này thấp hơn so với những năm trước, nguyên nhân do trời nắng nóng, quả bị nhỏ vì chịu ảnh hưởng của thời tiết khô hạn nên năng suất giảm.
Tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm thích ứng với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay. Theo đó, kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 được xây dựng với 2 phương án.
Phương án thứ nhất: Nếu tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có lượng nước để bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3, thì tỉnh điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh, Bầu Zôn, Ông Kinh), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý với tổng diện tích là 23.460ha, trong đó lúa 13.460ha, hoa màu 10.000ha.
Phương án thứ 2: Nếu trong tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đạt trên 50% dung tích thiết kế, thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 23 hồ chứa, toàn bộ khu tưới của hệ thống sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích trên 29.200ha, trong đó lúa 14.467ha, hoa màu 14.800ha.