Tìm lời giải bài toán việc làm 'hậu xuất khẩu' cho người lao động về nước
Đi xuất khẩu lao động về nước, có trong tay số tiền lớn, nhưng nhiều người lao động lại tiếp tục loay hoay với bài toán tìm việc làm ổn định trong nước. Việc tạo ra việc làm bền vững bằng cách kết hợp giữa doanh nghiệp và trường nghề đem lại cơ hội vừa học vừa làm được cho là giải pháp hữu hiệu, tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Chật vật tìm việc
Nguyễn Thị Tú (Nam Sách, Hải Dương) chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ kết thúc hợp đồng làm việc tại Nhật Bản, mong muốn về quê hương làm việc, ổn định cuộc sống, thế nhưng Tú lại không khỏi băn khoăn với câu hỏi về nước làm gì khi không bằng cấp, trình độ tiếng Nhật sau 3 năm cũng chỉ dừng lại ở mức giao tiếp cơ bản.
Sau hơn 3 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc về nước, anh Trần Đình Nam (Chí Linh, Hải Dương) đã dồn toàn bộ số tiền kiếm được để xây một căn nhà 3 tầng khang trang. Số tiền ít ỏi còn lại anh Nam đưa bố mẹ gửi ngân hàng để làm vốn chuẩn bị lập gia đình vào cuối năm nay.
Từng làm trong lĩnh vực xây dựng tại Hàn Quốc, dù biết ngoại ngữ, giao tiếp tốt, thế nhưng khi trở về Việt Nam, anh lại chưa tìm được công việc có thể tận dụng kinh nghiệm sau 3 năm làm việc tại nước bạn.
“Về nước tôi đi xây cùng một số anh em trong làng, công việc vất vả nhưng thu nhập không thể bằng khi đi xuất khẩu lao động. Tôi cũng hy vọng có thể tìm những công việc bền vững hơn sau khi về nước, thế nhưng chỉ có tấm bằng tốt nghiệp THPT, nên những vị trí tuyển dụng chủ yếu cũng chỉ là lao động phổ thông”.
Theo Báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam vừa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm thấp nhất, chỉ 26,7%. Trong khi con số này ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippines là hơn 50%.
Trường nghề và doanh nghiệp cần “bắt tay” để người lao động có việc làm bền vững
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, hỗ trợ người lao động diện nghèo, yếu thế đi làm việc ở nước ngoài để cải thiện hoàn cảnh kinh tế của họ. Trong các nhiệm vụ kể trên, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam.
Điều đó đòi hỏi cần có chính sách cụ thể, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường lao động ngoài nước, hợp tác với đối tác nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2023, song song với việc mở thêm các thị trường mới thì việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Kính, Chủ tịch EK Group – đơn vị phái cử lao động cũng cho rằng, giải pháp tốt nhất để tạo việc làm bền vững cho người lao động “hậu xuất khẩu” về nước là trang bị cho họ vốn kiến thức, ngôn ngữ thông qua quá trình đào tạo bài bản. Muốn vậy các doanh nghiệp cần liên kết với các trường đào tạo nghề, tạo cơ hội cho người lao động vừa làm, vừa học từ xa và được cấp bằng trung cấp, cao đẳng sau khi về nước.
“Nhiều đối tác doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, lao động Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu rất nhiều kỹ năng, kiến thức so với những gì họ mong muốn, đặc biệt là ngoại ngữ và trình độ tay nghề. Chính vì vậy 5 năm qua chúng tôi đã xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ cho người lao động khi làm việc tại Nhật Bản được học nghề”.
Ông Kính cho biết, với dự án này, doanh nghiệp phối hợp với trường nghề, tạo điều kiện cho người lao động được học chương trình trung cấp, cao đẳng nghề hệ đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo từ xa trong quá trình làm việc tại nước ngoài. Người lao động tham gia học sẽ được hỗ trợ 100% học phí. Hiện tại doanh nghiệp này đang thực hiện đào tạo cử nhân ngành Tiếng Nhật. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ phối hợp đào tạo cho người lao động một số ngành khác.
"Chương trình học từ xa, các em hoàn toàn có thể chủ động học vào thời gian rảnh. Với tiêu chí “đi để trở về khởi nghiệp”, chúng tôi hy vọng học viên sang Nhật vừa được đào tạo liên tục, vừa có thể tích lũy tài chính. Ngoài các môn học theo tín chỉ của từng chuyên ngành, các em cũng sẽ được học thêm về các môn kỹ năng mềm, văn hóa Việt Nam, văn hóa Nhật Bản, pháp luật… Kết thúc 3 năm, về nước các em không chỉ có một khoản tiền lớn mà còn có thêm tấm bằng và kiến thức, kỹ năng, dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm ở Việt Nam hoặc lựa chọn tiếp tục ở lại Nhật theo diện đặc định”, ông Kính cho biết.
Ths Trần Thị Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội – đơn vị đang phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo từ xa cho lao động đi làm việc tại nước ngoài cho biết, chương trình thuộc hệ vừa học vừa làm, nên chủ yếu sinh viên sẽ học trực tuyến thông qua học liệu nhà trường cung cấp cùng sự chỉ dẫn của thầy cô giáo. Tham gia chương trình này, sinh viên có thể linh hoạt lịch học theo thời gian biểu cá nhân, song sẽ đòi hỏi người học có ý thức tự học, tinh thần trách nhiệm cao với việc học của bản thân.
Để tham gia vào chương trình học này, thí sinh phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra theo quy định tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của nhà trường và Bộ LĐ-TB-XH. Bên cạnh đó, các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và thi hết môn cũng sẽ được thực hiện trực tuyến với camera ghi hình, kết hợp với sự giám sát của giảng viên, đảm bảo tính minh bạch, chính xác.
“Có đến 80% đối tượng học từ xa đang vừa học vừa làm. Nhiều em rất vất vả, nhưng cũng tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca, giữa giờ làm để vào học online. Nhà trường cũng cố gắng bố trí thầy cô trực 24/7, sắp xếp lịch linh hoạt theo lịch làm việc để hỗ trợ học sinh, sinh viên”, cô Trần Thị Hảo cho biết.
Là doanh nghiệp Nhật Bản đang tiếp nhận lao động Việt Nam chất lượng cao vừa học, vừa làm, ông Shimizu Norihisha, Giám đốc Nhân sự Công ty Samito cho biết: “Những em tham gia chương trình vừa học vừa làm đa phần ngay từ đầu đã đều có mục tiêu rõ ràng cho công việc và tương lai, do vậy các em đều rất chăm chỉ làm việc, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Chúng tôi hy vọng các em sinh viên sẽ nắm bắt tốt kiến thức để có thể áp dụng trong công việc hiện tại cũng như chuẩn bị hành trang cho tương lai sau này. Doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện tối đa về thời gian làm việc để các em có thể vừa học vừa làm. Sau khi tốt nghiệp và kết thúc hợp đồng 5 năm, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các em chuyển sang chương trình thực tập sinh đặc định nếu các em có nguyện vọng gắn bó lâu dài với Nhật Bản”./.