Tìm lời giải cho Hạnh Phúc thoát ung thư
Đã tám năm kể từ ngày MC Trần Hạnh Phúc vượt thoát biến cố ung thư, câu chuyện truyền cảm hứng ấy vẫn phủ lấp một bí ẩn mà ngay cả Hạnh Phúc sau nhiều nỗ lực đi tìm lời giải, cũng đành chấp nhận: 'Chưa ai giải thích được điều này'.
“Điều này” mà Hạnh Phúc nhắc đến chính là sự kỳ diệu đã xảy đến với anh, khi chỉ trong một tháng từ người mang “án tử” ung thư, anh trở thành người không có dấu hiệu ung thư nào.
30 ngày sống với ung thư
Trần Hạnh Phúc, sinh năm 1986, là người dẫn chương trình quen thuộc của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong một bài viết trên facebook, Hạnh Phúc cho biết ngày 28.7.2012 anh đi khám sức khỏe thì bác sĩ phát hiện có một u bã ở cổ, nhận định bình thường, chỉ định tiểu phẫu. Thế nhưng, mẫu bệnh phẩm lấy ra lại là hạch. Bác sĩ khuyên anh đem xét nghiệm để biết lành hay ác tính.
Ngày 1.8.2012 kết quả xét nghiệm của một trung tâm y khoa lớn ở TP.HCM cho biết Hạnh Phúc bị Hodgkin tuýp 3 - ung thư máu. “Bàng hoàng rụng rời tay chân, tôi tìm kiếm thông tin trên mạng về căn bệnh này. Hóa trị và xạ trị kéo dài hơn 1 năm, 60-70% qua được và sống thêm 5 năm. Suốt cả tuần sau đó, tôi làm các xét nghiệm máu, chụp CT Scan,… may mắn chưa xuất hiện thêm u hạch nào, mới chỉ là giai đoạn đầu. Một mình giữa đất Sài Gòn, nhận giấy “báo tử” trong tích tắc, tôi cũng chẳng biết sẽ làm gì, điều trị như thế nào, làm sao để báo với gia đình. Đêm nằm rồi khóc một mình…”, Hạnh Phúc kể.
Theo chỉ dẫn của người quen, Hạnh Phúc đến gặp một bác sĩ uy tín ở TP.HCM. Nhìn kết quả xét nghiệm, vị bác sĩ này nói ông tin tưởng do được đưa ra bởi một phó giáo sư có uy tín trong lĩnh vực xét nghiệm tế bào học. Ông khuyên Hạnh Phúc nên về Hà Nội bàn với gia đình phương án điều trị và nơi điều trị, bởi quá trình này sẽ kiệt sức, một mình ở Sài Gòn không kham nổi.
Về Hà Nội, Hạnh Phúc cùng người nhà lên Viện Huyết học truyền máu trung ương để tái khám. Bác sĩ khuyên anh nhập viện ngay. Tuy nhiên, Hạnh Phúc quyết định qua Bệnh viện K trung ương chuyên về ung thư hơn. Tại đây, anh trải qua hàng loạt thủ tục: chụp X-quang, siêu âm màu, xét nghiệm máu, rút tủy xét nghiệm… “Thật kỳ diệu, mọi kết quả không nói lên là ung thư nữa. Máu và tủy bình thường, thậm chí cả tiêu bản hạch gửi từ Sài Gòn ra xét nghiệm lại tới hai lần đều lành tính. Gia đình tôi cẩn thận mời thêm một hội đồng giáo sư gồm 4 vị đầu ngành hội chẩn và trực tiếp xét nghiệm. Chiều ngày 30.8.2012, kết quả chính thức khẳng định tôi không có dấu hiệu ung thư gì cả…”, Hạnh Phúc kể.
Hodgkin tuýp 3 không phải ung thư máu
Nhằm hỗ trợ thông tin để Hạnh Phúc có thể tìm được lời giải vì sao hạch cổ khi xét nghiệm ở TP.HCM cho ra kết quả bị Hodgkin tuýp 3 - ung thư máu nhưng khi về Hà Nội, cũng bệnh phẩm ấy, lại xét nghiệm không có dấu hiệu ung thư, Người Đô Thị đã tham vấn chuyên môn với GS-TS-BS. Nguyễn Sào Trung (Phó chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - Tế bào bệnh học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM).
Một cách thận trọng, GS. Sào Trung đã dành thời gian truy lục lại từ các nơi có thể lưu trữ mẫu xét nghiệm của Hạnh Phúc ở TP.HCM, với mong muốn kiểm tra lại tiêu bản xem tại sao có chẩn đoán đó. “Nhưng rất tiếc, đến hôm nay thì nơi lưu trữ trả lời là đã hơn 5 năm nên không còn giữ mẫu này nữa”, GS. Sào Trung nói.
Do không thể kiểm tra lại tiêu bản, và theo đề xuất của Người Đô Thị, GS. Sào Trung đã đưa ra một số suy luận trên dữ kiện Hạnh Phúc chia sẻ, để làm căn cứ soi rọi rõ hơn các khía cạnh của ca bệnh hy hữu này. Theo đó, có hai khả năng: “Một là, chẩn đoán quá mức căn bệnh. Chuyện này có thể xảy ra, nhất là trong chẩn đoán bệnh của hạch bạch huyết, nếu người bác sĩ chẩn đoán vì lý do nào đó không làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn (chủ quan, thiếu trang thiết bị và hóa chất cần thiết, thiếu tiền làm các xét nghiệm này...). Hai là, chẩn đoán đúng nhưng bệnh diễn tiến nhẹ như một loại viêm hạch thông thường…”, GS. Sào Trung suy luận.
GS. Sào Trung lưu ý, bệnh Hodgkin tuýp 3 là dạng ung thư của hạch bạch huyết, không phải ung thư máu. Ung thư máu còn gọi là bệnh bạch cầu, nặng hơn nhiều và khó trị hơn nhiều. “Bệnh Hodgkin tuýp 3 là loại ung thư tương đối nhẹ, có thể được trị khỏi từ lâu. Theo diễn tiến tự nhiên của loại bệnh này, một số ít ca có thể diễn tiến như bệnh lành tính, rất chậm, không điều trị cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh trong thời gian khá lâu, có thể đến 10 năm. Nếu có điều trị thì phần lớn sẽ khỏi bệnh, một số ít ca sẽ tái phát, thường là sau 5 năm. Nếu tái phát thì điều trị lại cũng sẽ khỏi. Hiếm khi người bệnh tử vong vì bệnh này”, GS. Sào Trung nói.
Ung thư hạch bạch huyết có tiên lượng rất tốt
Theo GS-TS-BS. Nguyễn Bá Đức (Phó chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam; nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương), ung thư hạch là một nhóm bệnh ung thư của hệ bạch huyết - là một phần của hệ miễn dịch trong cơ thể, gồm: U lympho ác tính và bệnh Hodgkin. “Bệnh thường gặp ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi, việc điều trị hiện nay có rất nhiều tiến bộ, tỷ lệ khỏi bệnh cao, kể cả khi đã ở giai đoạn muộn”, GS. Bá Đức cho biết.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ung thư hạch bạch huyết nhưng yếu tố nguy cơ hay gặp là: suy giảm hệ miễn dịch (như nhiễm virus HIV); uống thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài do ghép các bộ phận; nhiễm một số loại vi khuẩn (như nhiễm Helicobacter Pylori); tiếp xúc lâu dài với hóa chất, tia phóng xạ… Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ: người trên 60 tuổi; nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới; béo phì; bị bệnh hệ thống miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, lupus, bệnh celiac…; nhiễm một loại virus như Epstein-Barr, viêm gan C, HHV8…; có người thân từng bị ung thư hạch bạch huyết; thường xuyên tiếp xúc với benzen hoặc hóa chất diệt côn trùng, cỏ dại…; đã điều trị ung thư hạch trước đây…
Ung thư hạch bạch huyết giai đoạn đầu thường không đau đớn. Ở giai đoạn muộn hơn, triệu chứng chính là hạch sưng to lên ở các vị trí bất kỳ như: cổ, nách, háng, ngực… kèm theo ho nhiều, khó thở, sốt cao, đổ mồ hôi đêm, đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, sút cân, ngứa ngáy khắp cơ thể…
Tùy vào từng trường hợp, giai đoạn bệnh, loại bệnh, thể trạng người bệnh... mà cách điều trị và tiên lượng sẽ khác nhau. Nhìn chung, tiên lượng cho ung thư hạch bạch huyết rất tốt. Trẻ em và người trưởng thành mắc bệnh có cơ hội chữa khỏi rất cao, hoặc có thể kiểm soát bệnh trong thời gian khá dài. “Để phát hiện bệnh sớm cần luôn để ý đến cơ thể, nếu phát hiện điều bất thường nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra chi tiết. Điều trị ung thư giai đoạn đầu sẽ đạt hiệu quả hơn là giai đoạn muộn”, GS. Bá Đức cho biết.
Hoàng Minh - Anh Tân
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tim-loi-giai-cho-hanh-phuc-thoat-ung-thu-25629.html