Tìm lối ra cho thanh long Bình Thuận
Diện tích thanh long phát triển nóng kéo theo nhiều khó khăn về hạ tầng phục vụ sản xuất, thị trường
Theo Quyết định số 1554/QĐ-UBND ngày 3-6-2016 của UBND tỉnh Bình Thuận, diện tích canh tác cây thanh long quy hoạch của địa phương đến năm 2020 đạt 28.000 ha, định hướng đến năm 2025 đạt 30.000 ha. Tuy nhiên, hiện tại "thủ phủ rồng xanh" của cả nước đã vượt xa diện tích quy hoạch, đặt ra những vấn đề về hệ thống phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ.
Cạn kiệt nước tưới, giá cả bấp bênh
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 33.750 ha canh tác cây thanh long, vượt xa quy hoạch đến năm 2025. Sản lượng thanh long năm 2020 đạt gần 700.000 tấn. Những địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất Bình Thuận là huyện Hàm Thuận Nam (gần 15.000 ha), Hàm Thuận Bắc (hơn 9.000 ha), Bắc Bình (hơn 4.700 ha).
Tại huyện Hàm Thuận Nam, nơi chiếm gần 50% tổng diện tích thanh long của Bình Thuận, đã vượt quy hoạch của địa phương gần 2.000 ha và hiện vẫn được nông dân nơi đây liên tục mở rộng sản xuất vì giá trị kinh tế mang lại vẫn cao hơn những cây trồng khác.
Việc phát triển quá nhanh diện tích cây thanh long kéo theo hạ tầng phục vụ sản xuất không theo kịp. Còn nhớ, vào mùa khô năm ngoái, hàng trăm hộ dân tại Hàm Thuận Nam phải lao đao đi tìm nguồn nước để cứu cây trồng này khỏi tình cảnh chết khô. Thậm chí ở một số nơi, người dân phải thuê xe bồn để mua từng phuy nước về "chữa khát". Để phục vụ tưới tiêu, nhiều nhà vườn liên tục thuê thợ khoan giếng khi hệ thống thủy lợi không đáp ứng kịp việc mở rộng sản xuất. "Người đào sau khoan giếng sâu hơn người đào trước. Nhà này đào có nước thì người khác cũng đào theo. Cứ như vậy, mạch nước ngầm sớm muộn sẽ cạn kiệt nếu không được kiểm soát" - anh Mai Thanh Phúc, người dân xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam - lo lắng.
Khi cây thanh long vượt qua giai đoạn hạn hán để "sống sót" thì vấn đề giải bài toán đầu ra chưa bao giờ là dễ dàng. Năm nay, nhờ những cơn mưa đầu mùa đến sớm, nhiều chủ vườn đỡ phải ngược xuôi tìm nguồn nước. Tuy vậy, giá cả của loại trái cây xuất khẩu này lại trồi sụt thất thường khiến người trồng nhiều phen méo mặt. "Mùa chong đèn năm nay, vườn của tôi sản xuất 3 vụ thì có đến 2 vụ lỗ nặng vì giá bán dưới 10.000 đồng/kg, chỉ có một vụ sau Tết là bán được 17.000 đồng/kg. Nói chung, càng về sau này, sản xuất thanh long càng khó khăn vì luôn thấp thỏm với giá cả" - ông Nguyễn Văn Thắng, chủ một trang trại thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc, than thở.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, trong năm 2020, sản lượng thanh long của tỉnh gần 700.000 tấn. Tuy nhiên, trong số này trái thanh long xuất khẩu qua đường chính ngạch chỉ hơn 6.800 tấn, mang lại giá trị xuất khẩu 8,1 triệu USD; còn lại chủ yếu tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu. Việc phụ thuộc lớn vào một thị trường theo con đường xuất khẩu tiểu ngạch khiến giá trái thanh long luôn bấp bênh. Công tác xúc tiến thương mại ra các thị trường mới vẫn chưa thể theo kịp với sự phát triển diện tích thanh long. Vì vậy, giá thanh long chưa thể ổn định khi tình trạng cung luôn vượt quá cầu.
Hướng đến sản xuất theo chiều sâu
Để giải quyết tình trạng phát triển nóng diện tích cây thanh long, tỉnh Bình Thuận có những chỉ đạo để không mở rộng thêm diện tích, hướng đến phát triển thanh long theo chiều sâu, bền vững. Trong đó, giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp sạch để đáp ứng các thị trường xuất khẩu khắt khe như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản… Hiện tại, diện tích thanh long tại Bình Thuận được công nhận tiêu chuẩn VietGAP trên 11.000 ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 517 ha trong tổng số 33.750 ha thanh long của tỉnh. Tuy nhiên, thực hành sản xuất thanh long sạch ở nhiều vùng chưa thực hiện nghiêm ngặt khiến chất lượng trái thanh long đạt chuẩn không đồng đều…
Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, tỉnh đang xây dựng chuỗi liên kết thanh long từ sản xuất đến tiêu thụ để giải quyết quá tải thanh long. Toàn tỉnh đã xây dựng và kết nối 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn với sản lượng 90.775 tấn/năm và 2 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm. Việc xây dựng các chuỗi cung ứng đang được triển khai hiệu quả, song để sản phẩm từ các chuỗi đưa đến người tiêu dùng vẫn còn khoảng cách.
Trong năm 2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Từ chủ trương này, các hợp đồng cung ứng, bao tiêu đầu ra thanh long theo chuỗi đã được triển khai. Cuối năm ngoái, 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long VietGAP đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận xây dựng thành công. Chuỗi liên kết thứ nhất giữa HTX Thanh long sạch Hòa Lệ (huyện Hàm Thuận Bắc) với các HTX Thanh long Hàm Đức, Thuận Minh, Hàm Phú. Chuỗi liên kết thứ hai giữa HTX Thanh long Thuận Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc) với các HTX thanh long tại địa phương. Thanh long được các đơn vị tham gia chuỗi ký kết với giá 12.000 đồng/kg thời điểm chính vụ và 16.000 đồng/kg đối với mùa nghịch vụ. Đổi lại, các bên cung ứng phải bảo đảm sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP và các yêu cầu cao về kỹ thuật. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bảo đảm theo chuỗi liên kết như trên còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn vì các doanh nghiệp tiêu thụ có quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
"Để hỗ trợ tiêu thụ thanh long, trong tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở rà soát chính sách hỗ trợ đối với cây thanh long theo chuỗi liên kết, từ khâu sản xuất đến bảo quản, sơ chế, xuất khẩu. Trên cơ sở này, sắp tới tỉnh Bình Thuận sẽ tiến đến xây dựng đề án toàn diện về phát triển thanh long trên địa bàn, bao gồm cả chính sách đặc thù đối với cây thanh long" - ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết.
Ngành điện quá tải
Do diện tích thanh long liên tục phát triển nóng nên ngành điện tại Bình Thuận cũng phải liên tục nâng cấp hệ thống để đáp ứng nhu cầu chong đèn mùa nghịch vụ.
Thống kê gần đây cho thấy sản lượng điện phục vụ sản xuất thanh long Bình Thuận mỗi năm tới 568 triệu KWh, tăng 2,36 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, từng có giai đoạn các chủ hộ sản xuất thanh long chỉ được sử dụng một nửa công suất bình điện hạ thế trong những tháng cao điểm chong đèn vì ngành điện quá tải.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tim-loi-ra-cho-thanh-long-binh-thuan-20210511202623156.htm