Tìm mọi cách để sở hữu F-16, Ukraine lại tự bắn rơi một tiêm kích quý'?

Mới đây, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức Mỹ đưa tin, một máy bay tiêm kích F-16 của Ukraine đã bị phá hủy trong một vụ tai nạn hôm 26/8.

Ukraine dường như chỉ mới nhận khoảng 10 chiếc F-16, song đã mất một chiếc khi đưa vào tác chiến. (Nguồn: X)

Ukraine dường như chỉ mới nhận khoảng 10 chiếc F-16, song đã mất một chiếc khi đưa vào tác chiến. (Nguồn: X)

Quan chức này nhận định, có vẻ như vụ việc không phải do hỏa lực của đối phương gây ra và có khả năng là do lỗi của phi công.

Trong khi đó, ngày 30/8, trang mạng quân sự của Nga dẫn nguồn tin cho biết, chính lực lượng phòng không Ukraine đã bắn rơi tiêm kích F-16 do sai sót.

Theo đó, sự cố xảy ra do phi công đưa máy bay về chế độ khó giám sát, nên bị hệ thống phòng không xác định nhầm là tên lửa hành trình của đối phương.

Theo nguồn tin, vụ việc xảy ra ở khu vực chưa được xác định, song phi công lái chiếc máy bay chiến đấu đã thiệt mạng. Cho đến nay, đây là trường hợp đầu tiên chiến đấu cơ F-16 bị bắn hạ trên lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, bà Maryana Bezuglaya, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo của Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, cho biết, trong cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hôm 26/8, một tiêm kích F-16 của Ukraine đã vô tình bị chính lực lượng phòng không của mình bắn hạ bằng hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Vụ việc đã dẫn đến cái chết của phi công Alexei Mesy, người điều khiển chiếc máy bay bị bắn rơi. Theo bà Bezugla, việc thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia đẩy lùi cuộc tấn công là yếu tố chính dẫn đến vụ việc thương tâm này.

Cuối ngày 29/8, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã xác nhận, một máy bay chiến đấu F-16 đã rơi trong quá trình tác chiến hôm 26/8 nhằm ngăn chặn cuộc không kích lớn chưa từng có của Nga. Theo Bộ trên, thời điểm đó, một số F-16 và các hệ thống phòng không của Ukraine tìm cách đối phó cuộc tấn công của Moscow.

Theo bộ này, Ukraine đã lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ việc bao gồm các chuyên gia quốc tế. Cuộc điều tra sẽ xét đến một số giả thuyết trong đó có lỗi phi công, trục trặc kỹ thuật và bị bắn nhầm.

Về phía Mỹ, phó người phát ngôn Bộ Quốc phòng Sabrina Singh cho biết, Washington hiện không thể xác nhận vụ việc có phải là do hệ thống phòng không Patriot bắn rơi vì nhầm lẫn hay không. Mỹ cũng chưa nhận được bất cứ đề nghị tham gia vào bất cứ cuộc điều tra nào về vụ việc này.

Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp ít nhất 79 máy bay F-16 cho Ukraine, song đến hiện tại, Kiev dường như mới nhận khoảng 10 chiếc. Sự xuất hiện của F-16 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Ukraine sau nhiều tháng chờ đợi.

Việc mất F-16 đầu tiên cũng như phi công được đào tạo bài bản không lâu sau khi đưa vào tác chiến có thể là đòn giáng mạnh vào Ukraine khi Kiev đến nay vẫn liên tục kêu gọi đồng minh phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa hiện đại, trong khi số lượng phi công được đào tạo để vận hành tiêm kích này còn hạn chế.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tim-moi-cach-de-so-huu-f-16-ukraine-lai-tu-ban-roi-mot-tiem-kich-quy-284446.html