Tìm nhau giữa ngày hội
1. Bà Loan ngó vào nhà gọi lớn:
- Ông Hải ra chặt hộ cái buồng chuối chín ở góc vườn để tôi đi nhặt ít trứng vịt nhé. Nhà bà Duẫn hỏi mua từ hôm qua mà giờ tôi mới nhớ ra ông ạ!
Không thấy ông Hải trả lời, bà vòng ra lán xe xem sao. Chiếc xe Wave của ông Hải đã không còn ở đấy, bà phàn nàn:
- Đấy. Có việc nhờ là ông ấy mất tăm luôn. Chỉ loáng cái là đi đấy thôi!
Bà Loan đành tự tay cầm con dao và cái ghế sắt ra vườn. Buồng chuối già vài hôm không để ý nay đã nhiều quả chín vàng, thơm phức. Bà ngắm nghía, độ này được giá, với buồng chuối nải to, quả nào cũng đều tăm tắp như thế này cũng phải đến trăm bạc. Từ ngày ông Hải ra nhập Tổ tự quản về an ninh trật tự chẳng khác nào người vác tù và hàng tổng. Bà biết, có gàn cũng chẳng được vì tính ông vốn luôn hăng hái tham gia công tác xã hội. Ông bảo, thế mới đúng bản lĩnh, khí chất của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Nếu ông ấy không phải là người như thế có lẽ bà đã chẳng lấy. Năm xưa ông lặn lội vào tận chiến trường Quảng Trị để tìm kiếm hài cốt của anh trai bà, cũng là đồng đội của ông đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã. Lại thêm chuyện ông thực chất là con một mà khai gian thêm tuổi, khai khống gia đình đông anh em để được chọn vào chiến trường khiến bà cảm động lắm. Về nghỉ chế độ phục viên, ông luôn giúp bà việc trồng trọt, chăn nuôi. Hôm cùng với cựu chiến binh trong tổ tự quản được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, ông hào hứng khoe:
- Chồng bà bây giờ cũng là chiến sĩ xung kích trong lực lượng bảo vệ an ninh thôn xóm rồi đấy. Thế nên, bà phải tự hào mới đúng!
Bà cười: Gớm. Việc bảo vệ an ninh đã có các anh công an lo. Ông định ôm hết cả phần thiên hạ à?
Ấy là bà nói vậy, nhưng bà thừa nhận hoạt động của tổ tự quản của ông Hải đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các vụ trộm cắp, cờ bạc trong thôn xóm đều bị bắt giữ. Cánh thanh niên rỗi việc không còn dám tụ tập cờ bạc như trước.
Bà Loan đã làm được bao việc, ông Hải mới trở về nhà. Bà mừng rỡ:
- Ông đây rồi. May quá. Ông đi cắm cho tôi cái nồi cơm với nhé. Để tôi còn nấu nhanh nồi cám chứ lũ lợn ngoài kia đã đói bụng, rít ầm lên định phá chuồng kìa!
- Từ từ hẵng nào, bà vội gì chứ. Mới về đến nhà, để cho người ta còn thở đã nào!
Ông Hải ngồi vào bàn, rít xong điếu thuốc lào rồi gọi bà lại kể chuyện. “Bà có biết cái bọn bán hàng đa cấp không?”. “À, tôi có nghe nói nhưng nào biết mặt mũi chúng nó thế nào. Thấy bảo vài người ở làng ta vướng vào mấy vụ lừa đảo rồi còn gì”. Chỉ chờ bà nói vậy, ông Hải tuôn ra một tràng như xả nỗi bất bình đang cố nén. Chả là ông bạn của ông vừa rồi nghe lời ngon ngọt của bọn đa cấp đã dốc sạch số tiền dành dụm dưỡng già, khuân về nào thuốc nam, đồ dùng sinh hoạt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổ của ông đã theo dõi lâu nay, lần này thông tin ngay cho lực lượng chức năng đến xứ lý kịp thời.
- Thế là tóm gọn rồi hở ông? Phải thế chứ không thì ối người hám lợi rồi lại mất tiền mất của vì bọn chúng thôi.
Bà nghe xong câu chuyện thì cười nhẹ nhõm. Ông Hải được thể cũng lên giọng: “Nhằm nhò gì mấy chuyện vụn vặt. Ngày xưa chúng tôi còn đánh thắng được giặc Mỹ vừa to kềnh, lại nguy hiểm thế cơ mà”.
2. Năm nào đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hoặc ngày Giải phóng miền Nam 30/4, mấy đồng đội thân thiết của ông Hải cũng lại hẹn nhau gặp mặt. Ông quyết tâm lần này phải hành hương về đất Tổ. Ông Hải bồn chồn nhìn ra ngõ. Anh con trai đi đón khách đã hơn nửa tiếng rồi mà vẫn chưa thấy về. Ông sốt ruột bảo bà Loan:
- Bà lấy cái “cục gạch” của tôi ra đây xem nào. Tôi phải gọi xem hai bác cháu đã gặp nhau chưa mà sao lâu đến vậy?
Bà Loan thong thả đưa cái điện thoại cho chồng:
- Sao ông phải sốt ruột đến thế. Bác cháu gặp nhau có khi lại mời nhau vào quán nước làm chén trà, điếu thuốc rồi cũng nên. Mà có thể xe còn trả khách dọc đường nên có chậm hơn một chút thôi mà. Có thế mà ông đã sồn sồn lên rồi!
- Thì từ trên thành phố xuống huyện mình có phải xa xôi gì lắm đâu. Có khi lại hỏng xe hay ông ấy quên chỗ xuống rồi. Ấy là tôi chỉ lo thế!
Đồng đội bao năm tháng ăn ngủ cùng nhau, gian nan, khổ cực có nhau nên coi nhau khác nào ruột thịt. Nghĩa tình đồng chí đồng đội nào thể nói một lời là xong. Có tiếng xe chạy vào đến giữa sân còn chưa tắt hẳn máy, hai ông bà vội ra đón khách quý. Một người đàn ông luống tuổi tóc điểm hoa râm, mặc bộ đồ kaki, đi đôi dép nhựa tiền phong, dáng người nhanh nhẹn xuống xe, giọng niềm nở:
- Ôi chao. Có mấy năm dịch bệnh không về nhà ông mà giờ đổi khác quá!
Ông Vịnh và ông Hải ôm chầm lấy nhau vồn vã. Dịp giỗ Tổ này họ hẹn về nhà ông Hải chơi rồi rủ nhau làm một chuyến về thăm đất Tổ, tiện thể ghé thăm ông Danh trên Phú Thọ, đồng đội trước đây cùng chung chiến hào. Bà Loan từ hôm trước đã nhốt sẵn con gà để bữa nay đãi khách bằng món lẩu. Hai ông cà kê chén rượu cũng có ối chuyện để kể:
- Ông còn nhớ món canh chua rau sắn nấu cá dạo còn trong quân ngũ không? Món rau sắn được ông Danh khai phá và trong bữa cơm nào ông ta cũng tranh phần việc chế biến ấy?
- Nhớ chứ. Quên sao được. Đặc sản của vùng đất Tổ ông ấy mang theo hành trang đi chiến trường mà. Ngon đáo để. Hôm nào không có cá ông ấy chỉ xào với tỏi, đĩa rau sắn quay đi quay lại đã hết bay.
Hồi ức về những ngày chiến trận, bà Loan đã từng được nghe kể về cuộc chiến đầy gian khổ của người lính. Ngoài cận kề với cái chết, đối mặt với bom rơi, đạn lạc thì họ cũng phải kiên cường chiến đấu với căn bệnh sốt rét, kẻ thù không kém phần nguy hiểm trong chiến tranh lúc ấy. Đồng đội của ông Hải, ông Bùi trong một lần trên đường vào chiến trường B khi đến binh trạm số 3 thì bị cơn sốt rét ác tính quật ngã, đơn vị phải gửi lại bệnh xá binh trạm để điều trị. Sau khi hy sinh, ông Bùi được an táng dưới một gốc cây xà cừ trong khu vực bệnh xá của binh trạm. Bà Loan mải ngồi nghe chuyện mới chợt nhớ ra vại rau sắn muối chua vẫn chưa mang ra, giọng hồ hởi:
- Ấy chết, suýt nữa thì quên. Biết ông xuống chơi nên ông Hải đã bảo tôi làm sẵn vại rau sắn muối dưa rồi. Để tôi đi lấy bát dưa sắn đãi ông. Tuổi già cứ quên quên nhớ nhớ thế đấy ông ạ. Mà có khi cũng tại hậu Covid nữa ấy.
Ông Vịnh cười giòn tan:
- Một thời gian khổ đã qua. Giờ lại được ngồi cùng nhau nhấm nháp lại vị xưa, thấy bùi ngùi quá ông ạ. Bà lại vất vả rồi.
Bà Loan cười:
- Vất vả gì đâu ông. Ông nếm thử xem sao nhé!
3. Bà Loan sắp sẵn đồ lễ. Nào là bánh dày dẻo mịn, trắng tròn, bánh chưng chín rền vuông vắn. Bà bảo đồ lễ từ chính tay mình làm ra mới là tấm lòng thành tâm, thành ý nhất. Bà nhắc nhở ông Hải, độ này tiết trời đỏng đảnh lắm, sớm nắng chiều lạnh, chẳng biết đâu mà lần; rồi mang thêm áo ấm... Ông cười, lính tráng như họ có gì mà chưa trải qua, dăm ba cái lạnh tạt qua chứ có phải bão táp mưa sa đâu mà sợ.
Nhà ông Danh nằm chênh vênh trên ngọn đồi nép mình giữa bạt ngàn núi rừng. Ngôi nhà làm bằng gỗ, mái lợp từ lá cọ phơi khô. Lỉnh kỉnh khoai, gạo nếp bà Loan đã buộc riêng từng túi làm quà từ dưới xuôi mang lên khiến ông Danh cảm động.
- Thế cái cô Son ngày xưa giờ sao rồi? Hai người lâu nay có gặp lại nhau không? Ông Hải cám cảnh gà trống nuôi con của bạn bèn hỏi. Vợ ông Danh mất cách đây đã lâu. Ngày trước nghe bạn kể về mối tình với cô Son xinh đẹp, nết na, cô đào hát hay nhất làng nhưng hai người không lấy được nhau vì lúc đó ông Danh đi bộ đội. Đi được vài năm có giấy báo tử gửi về. Ở nhà tưởng ông Danh hy sinh nên sau đó cô Son đi lấy chồng.
- Bà ấy cũng trong hoàn cảnh như tôi. Chồng mới mất được vài năm. Lễ hội năm nào bà ấy cũng tham gia các ông ạ.
Nhắc đến người trong lòng của mình, ông Danh bùi ngùi, chợt nhớ đến mùa hội diễn năm nào. Trống hội nổi lên, người xem đám rước voi reo hò vang dội. Ông Danh cùng đám trai làng đảm nhiệm vai chính trong lễ rước. Ông cùng đám bạn chui trong bụng voi được làm bằng khung sắt, nhịp nhàng di chuyển với những động tác múa theo sự điều khiển thuần thục của người quản tượng trước sự trầm trồ của dân làng. Cô đào còn rất trẻ tên Son mắt biếc môi hồng trong chiếc áo cánh gụ, chiếc quần lụa mềm mại và tấm khăn mỏ quạ với làn điệu mượt mà, giọng ca duyên dáng trữ tình, lời xoan ngân nga cứ thế làm say đắm lòng chàng thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú. Tổng kết giải, đội rước voi của ông Danh giành chiến thắng, phường hát xoan của Son cũng đứng nhất bảng. Thật thú vị khi cả ông và Son cùng được cử lên sân khấu nhận giải. Mắt trong mắt, lòng say lòng, quyến luyến chẳng nỡ rời.
- Hai người còn chưa hết duyên đâu. Tôi tin là như thế. Ông còn tình cảm với bà Son thì mạnh dạn tiến thêm bước nữa đi chứ.
Ông Hải thấy bạn có vẻ còn vấn vương tình cũ thì tích cực đẩy thuyền. Ba đồng đội cũ cùng háo hức trở về mảnh đất cội nguồn. Hàng ngàn du khách thập phương cùng nô nức đổ về trẩy hội. Theo đoàn rước kiệu, đội múa sư tử và tiếng trống hội rộn vang, cờ phướn rợp trời. Ông Hải nhìn lên. Nơi vua Hùng đóng đô, một màu xanh trù phú bao quanh, núi non hùng vĩ, đất trời hội tụ khí thiêng. Đang đi, ông Hải chợt dừng bước nhìn ông Danh đang chăm chăm hướng đôi mắt nhìn về phía cây đề cổ thụ.
- Bà Son ở trong đám đấy phải không ông? Thảo nào mà đến lễ hội là ông lại như người bị bỏ bùa mê rồi.
Cô đào hát xoan với áo dài tứ thân đằm thắm, đầu đội khăn nhung, chít khăn mỏ quạ, tay nải khoác vai đang ngân nga cùng phường hát. Duyên xưa thắm lại. Ông Hải đọc được trong ánh mắt của bạn mình. Không biết tại nhịp phách, lời xoan hay tại không khí nơi đây mà ai nấy đều rộn ràng, xao xuyến.
Truyện ngắn của Vũ Thị Thanh Hòa
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tim-nhau-giua-ngay-hoi-110936.bbg