Tìm nước nơi lưng chừng trời

Bốn huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, có địa hình chủ yếu là núi đá, thường xuyên thiếu nước về mùa khô. Đặc biệt tại Đồng Văn, Mèo Vạc có đến 80% diện tích núi đá, là địa bàn trọng điểm khan hiếm nước với thời gian từ 3-4 tháng/năm. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, khảo sát và khẳng định: Địa hình vùng cao phía Bắc Hà Giang có nhiều thung lũng, giải pháp tối ưu là xây dựng hồ chứa nước. Trước thực trạng đó, Hà Giang đã được Chính phủ đầu tư xây dựng 30 hồ chứa nước sinh hoạt, tập trung nhiều nhất vẫn là hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.

Hành trình tìm nước

Tháng 12 của năm 2009 khi những nụ hoa đào còn chưa kịp nở, khi mùa Xuân mới chỉ ngấp nghé nơi những ngọn núi xa cũng là lúc Hà Giang phải đón mùa khô bằng một đợt thiếu nước kinh khủng. Nhớ lại những ngày ấy, ông Vương Mỹ Tài, sống tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn vẫn còn cảm giác khô khốc nơi cổ họng. Suốt 6 tháng liền, toàn huyện Đồng Văn vẫn chưa có mưa. Rét đậm kèm theo hanh khô kéo dài càng làm cho vùng cao núi đá này thêm khô kiệt. Những dãy núi đá hùng vỹ như xám xịt hơn trước mỗi đợt gió lạnh.

Nước thiếu đến mức, tỉnh Hà Giang phải hỗ trợ cho UBND huyện Đồng Văn 200 triệu đồng để chuyển nước cung cấp cho một số cơ quan như trường học, trạm y tế, cơ quan xã, thôn bản, còn các hộ đồng bào vẫn phải tự lo đi lấy nước về dùng. Cơ quan huyện ủy, UBND huyện cũng gương mẫu thực hiện tiết kiệm nước. Sau buổi chiều, nhà khách cũng cắt nước. Bộ đội biên phòng Lũng Cú cũng thực hiện tiết kiệm nước triệt để, dành nước cho dân.

Trong trí nhớ của PGS-TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất Việt Nam, những năm 2000, Hà Giang đang trong cơn khát đúng nghĩa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và sức khỏe người dân. Bà con các xã Giàng Chu Phìn, Cán Chứ Phìn, Lũng Pù, Sủng Máng, Sủng Chà, Tả Lủng, Thượng Phùng, Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc đã phải xuống tận sông Nho Quế, hoặc xuống huyện Yên Minh cách xã trên 20 km cõng nước về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Hành trình đi tìm nước cho người dân Hà Giang của PGS-TSKH Vũ Cao Minh cùng các đồng nghiệp của mình cũng hết sức gian nan, vất vả. Hàng chục chuyến đi vào mùa khô để tìm những nguồn có nước. Kết quả, khi về tới thị xã Hà Giang là hình ảnh quần áo đập chỗ nào cũng thấy bụi vì không có nước để giặt giũ, còn những đôi giày bị đá nhọn cứa đến mức há mõm, thủng gót. Chẳng ai nhận ra đó là các nhà khoa học. Đáp lại cho những nỗ lực ấy vẫn là những cái lắc đầu buồn bã vì bế tắc nguồn nước.

Tình cờ, một lần cả nhóm đi vào mùa mưa. Nhìn mưa trút xuống, trượt trên những khe nứt nhỏ ở bề mặt đá núi, một ý nghĩ bất chợt đến trong ý nghĩ của một thành viên: có thể thu nước trên vách núi, thay vì tìm nước trong lòng núi, hang động. Tức là cả nhóm đang chấp nhận một quy luật ngược nhưng hết sức phù hợp với thực tại. Một nguồn nước dồi dào có thể thu từ vách núi trên cao nguyên, muốn vậy phải đi vào mùa mưa, thay vì tìm những hang chứa nước vào mùa khô.

Tháng 5-2002, một hồ treo có hình trái tim với sức chứa 3.000m3 nước được xây dựng thành công tại xã Sà Phìn, Đồng Văn. Còn tại huyện Mèo Vạc, hồ treo Tà Lủng (có quy mô lớn gấp 10 lần hồ “trái tim” tiếp tục được xây ở độ cao 1.200m.

Từ câu chuyện đầy tình cờ ấy, sau này đã tạo tiền đề để Chính phủ, Bộ NN&PTNT đồng ý cho ra đời của hàng chục hồ treo trên cao nguyên đá Hà Giang.

Hồ treo tại xã Giàng Chu Phìn

Hồ treo tại xã Giàng Chu Phìn

Mùa khô nơi cao nguyên đá

Xã Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc một ngày cuối năm 2020. Trên con đường nhỏ dẫn vào thôn Há Đề là cảnh xây dựng nhộn nhịp của gia đình Vừ Mí Thùng. Nhà Vừ Mí Thùng đang xây mới với những trụ bê tông kiên cố. Cách đó khá xa, ngay giữa thôn, công trình nhà tình nghĩa được báo Pháp luật & Xã hội xây tặng gia đình Vừ Mí Nô cũng đang khẩn trương được tốp thợ xây hoàn thiện. Nước xây nhà cũng phải hết sức tiết kiệm, nếu không muốn chạy xe vài cây số ra hồ treo lấy nước về.

Giờ những ngôi nhà được người dân trong thôn xây mới đều bằng gạch ba banh to, vữa xây nghiền nhỏ từ đá núi trộn cùng xi măng. Điều này khác hẳn với những ngôi nhà trình tường truyền thống đắp thủ công hoàn toàn bằng đất, được lèn bằng phẳng, chắc chắn. Duy chỉ có những hàng rào bằng đá, to, chắc chắn bao quanh nhà là vẫn giữ nguyên.

Há Đề cũng là thôn thiếu nước nghiêm trọng vào mùa mưa. Bên khung cửi xe những sợi lanh, người phụ nữ cùng cô con gái tự hào khoe chúng tôi hai bể nước xây to, nếu tiết kiệm có thể đủ nước ăn cho mùa khô. Còn nước tắm rửa không dám tính tới. Ở đây gần như nhà nào cũng có các dụng cụ tích nước như bể xây, lu, bồn chứa bằng inox... Chẳng thế mà việc tắm rửa thoải mái những ngày mùa khô tại những thôn thiếu nước vẫn như giấc mơ xa xỉ của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Chỉ vào mấy đứa trẻ đang nô đùa trước nhà Vừ Mí Thùng, vị Bí thư chi bộ thôn đi cùng chúng tôi tếu táo: “Để mấy đứa trẻ tắm là mất toi cả tháng tích trữ nước sạch”.

Chủ tịch xã Giàng Chu Phìn, Đỗ Văn Tuyên thống kê, cũng may năm nay mưa nhiều nên hai hồ treo trên địa bàn xã đến giờ vẫn đầy nước. Số nước này đủ để dùng cho trên 2.000 dân, tương đương một nửa dân trong xã. Một ban quản lý được lập ra, nhằm đảm bảo hồ lúc nào cũng sạch sẽ. Kinh phí hoạt động được lấy từ nguồn ngân sách do những người dân tự nguyện quyên góp.

Phần đáng bàn nhất là một nửa dân còn lại vẫn đang sống trong cảnh thiếu nước. Tuy không phải xuống tận sông Nho Quế lấy nước như trước đây nhưng với nhiều thôn ở xa, cách hồ treo gần chục cây số như Di Chủa Phàng, Tìa Cua Si... người dân vẫn có thói quen dùng nước mưa tích sẵn trong các bể, lu đựng... Đương nhiên, không thể đủ nước dùng cho cả mùa khô dài dằng dặc. “Từ năm ngoái tới nay, ngoài đề xuất với huyện để xin xây thêm 3 bể chứa, mỗi bể 100m3, UBND xã cũng muốn huyện và các mạnh thường quân giúp cho hai hồ treo, mỗi hồ 5.000m3”, ông Tuyên nói.

Cũng tại huyện Mèo Vạc, chị Giàng Thị Chớ, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, khoe, năm nay nước hồ treo đầy nên chị không phải đi gần chục cây số đến mó nước trong núi. Ngô sắp vào mùa gieo hạt rồi, nếu không có mưa cũng có nước hồ dự trữ nên cũng đỡ lo. Nhưng đưa nước lên những ruộng ngô chênh vênh nơi vách đá không đơn giản chút nào.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tim-nuoc-noi-lung-chung-troi-227490.html