'Tim phổi nhân tạo' hồi sinh bé gái ra đời với 'tứ chứng' tim cực nặng
Lần đầu tiên, kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo - đã song hành với phẫu thuật ngoại khoa để cứu bé gái 31 tháng tuổi vào viện với tình trạng đã tím, suy kiệt do bệnh tim bẩm sinh.
Bệnh nhi tên V.N.K.T., 31 tháng tuổi, từ Long Khánh - Đồng Nai, đến hôm nay (13-10) đã rất khỏe mạnh. Cháu bé bị tình trạng tim mạch rất ngặt nghèo gọi là "tứ chứng Fallot", nhập viện trong tình trạng đã rất nặng, suy dinh dưỡng, cơ thể tím tái, sự sống còn rất bấp bênh.
"Tứ chứng Fallot" là hàng loạt vấn đề tổng hợp về tim bao gồm thông liên thất, hẹp đường ra thất phải, phì đại tâm thất phải, động mạch chủ "cưỡi ngựa".
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, Phó chủ tịch Hội Hồi sức Việt Nam, cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khó khăn lớn nhất của ca này là bị phát hiện trễ, bé đã rất nặng và suy kiệt, đã bị suy thận trước đó.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, cháu bé tím nặng trước mổ bởi khi đó tình trạng hẹp van động mạch phổi đã rất nặng. Ca mổ đầu tiên ngày 22-9 đã may mắn sửa chữa thành công những dị tật tim của bé.
Nhưng cuộc chiến chưa dừng ở đó. Ngay trong ngày, bé được chuyển vào phòng Hồi sức tim của khoa Hồi sức ngoại, tình trạng áp lực động mạch phổi không giảm đã được ghi nhận. "Những ca khác sau mổ áp lực động mạch phổi phải giảm" - bác sĩ Trân Châu giải thích.
Theo bác sĩ Trân Châu, do được mổ trễ nên thất trái của em bé vốn đã quá yếu, chức năng tưới máu không tốt, bé cũng bị phù phổi cấp... chức năng tim, phổi, thận đều bị suy giảm.
Vài ngày sau mổ, dù đã dùng nhiều biện pháp nhưng tình trạng bé đã rất nặng nên các bác sĩ quyết định cầu viện đến ECMO - kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, còn gọi là "tim phổi nhân tạo" để cứu em bé dù biết cơ hội thành công chỉ có vài phần trăm, đây lại là kỹ thuật cao rất tốn kém và khó khăn.
Đây cũng là lần đầu tiên ECMO được áp dụng cho một bệnh nhi vừa được can thiệp ngoại khoa. và là một em bé nhẹ ký, có nhiều tổn thương tim, phổi, thận trước mổ nên nguy cơ thất bại rất cao.
"Toàn bộ hệ thống ECMO từ khoa Hồi sức tích cực - chống độc được vận chuyển bằng xe cứu thương lên phòng hồi sức ngoại. Lần ECMO này phải kết nối thẳng vào động mạch chủ, đòi hỏi phẫu thuật viên tim mạch giỏi chuyên môn mới làm được. Bác sĩ phẫu thuật tim Ngô Kim Thơi của bệnh viện đã làm được. Vài tiếng sau, cháu bé đã hồng hào trở lại" - PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc kể lại quãng thời gian nghẹt thở.
Vài ngày sau, bé gái đã thực sự "hồi sinh", cai máy thở. Theo bác sĩ Trân Châu, cháu bé sẽ cần tái khám sau đó và theo dõi về tim mạch lâu dài, tuy nhiên có thể nói bé đã có thể sống và sinh hoạt bình thường.
Cách đó đây 1 tuần, một cháu bé khác được chuyển đến từ tận Phú Yên trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở cũng được kỹ thuật tim phổi nhân tạo này hồi sinh. Nay bé này vẫn đang chạy ECMO nhưng các bác sĩ đã tự tin cháu sẽ sống.