Tìm phương án khả thi nhất...

Phát biểu tại cuộc làm làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên diễn ra vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành bàn xem tiếp tục làm dự án này hay không tiếp tục làm? Tiếp tục làm tốt hơn hay không tiếp tục làm thì tốt hơn? Nếu tiếp tục làm tốt hơn thì phải làm những việc gì, cần bao nhiêu tiền, cần cái gì và thẩm quyền ai quyết cái này...?

Dù đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ có 5 trong tổng số 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương được ra khỏi danh sách. Các dự án còn lại vẫn đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến hợp đồng nhà thầu trọn gói, chi phí tài chính. Cụ thể, vướng mắc đầu tiên là về hợp đồng nhà thầu trọn gói (hợp đồng EPC) đối với các dự án. Các dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, kể cả áp dụng chính sách thuế.

Ngoài ra, nhiều dự án đang gặp các vướng mắc về chi phí tài chính do đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2015 chịu lãi suất cao, quá trình thực hiện bị chậm dẫn đến tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con". Nếu không tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng EPC, doanh nghiệp không thể chủ động đối với các dây chuyền và quá trình sản xuất - kinh doanh...

Về hướng xử lý các doanh nghiệp này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã chia thành các nhóm để có phương án phù hợp. Như nhóm dự án liên quan đến sản phẩm phân bón, hiện các dự án này đều đang đi vào vận hành, có sản phẩm tốt và tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhưng lại có chi phí tài chính rất lớn, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó, kinh doanh thua lỗ và chưa bù được lỗ tích lũy của nhiều năm trước.

Hay như với nhóm 2 dự án thép Việt - Trung và giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), hiện chỉ có thép Việt - Trung vẫn hoạt động trong khi TISCO 2 chưa hoàn thành nên để lại "gánh nặng" cho toàn bộ hoạt động của Công ty TISCO. Việc xử lý nhóm này có nhiều “nút thắt” liên quan đến cam kết từ phía doanh nghiệp với các nhà thầu nên dẫn tới có những khâu còn dang dở khiến dự án chưa thể đi vào vận hành. Chỉ khi nào các đơn vị liên quan làm rõ được kết quả đàm phán và xử lý hợp đồng dở dang thì mới đưa ra kịch bản cũng như phương án xử lý cụ thể...

Về lý thuyết, cơ chế thị trường sẽ có sự sàng lọc, dự án tốt sẽ tồn tại và phát huy thế mạnh. Dự án không tốt buộc phải được điều chỉnh và tái cơ cấu lại. Đây là quy luật chung của các nền kinh tế. Các dự án này cũng không thể là ngoại lệ. Do đó, theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, phải tái cơ cấu. Tuy nhiên, đây là tài sản của Nhà nước và có rất nhiều mục đích khi đầu tư, dẫn đến nhiều vấn đề phải cân đối.

Hiển nhiên, việc xử lý các dự án này là khó, nhưng không vì thế mà tiếp tục kéo dài năm này qua năm khác. Điều quan trọng nhất hiện nay, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính - không chỉ với riêng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên mà với cả các dự án còn lại là khẩn trương tìm phương án xử lý khả thi nhất để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi cân nhắc, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý, bảo đảm tiết kiệm nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất cho nhà nước và doanh nghiệp... Phải rõ đường hướng thì mới ra được. Nếu bây giờ không làm thì phải làm cái gì, làm thế nào, ai làm thì phải rõ...

Khương Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tim-phuong-an-kha-thi-nhat--i296864/