Tìm ra 2 khoáng vật mới trong thiên thạch rơi xuống châu Phi
Đại học Alberta cho biết họ vừa xác định được 2 khoáng vật chưa từng thấy trên Trái đất trong một thiên thạch nặng 15,2 tấn phát hiện ở Somalia năm 2020.
Đây là thiên thạch lớn thứ 9 từng được phát hiện. Khoáng vật đến từ một mảnh thiên thạch nặng khoảng 70g.
Giáo sư Chris Herd - người phụ trách bộ sưu tập thiên thạch của Đại học Alberta - trong quá trình xem xét mẫu ghi nhận vài phần không thể xác định bằng kính hiển vi. Do đó ông tìm đến học giả đứng đầu Phòng Phân tích điện tử Andrew Locock (người có kinh nghiệm nghiên cứu các khoáng vật) nhờ giúp đỡ.
“Ngay ngày đầu tiến hành phân tích, ông ấy tìm ra ít nhất 2 khoáng vật. Thật phi thường, thông thường phải mất nhiều công sức hơn mới tìm ra khoáng vật mới”, giáo sư Herd cho biết.
Một trong số 2 khoáng vật được đặt tên elaliite, vì thiên thạch ở Somalia là “El Ali” (thị trấn nơi phát hiện thiên thạch). Khoáng vật còn lại được gọi là elkinstantonite, theo tên giáo sư Lindy Elkins-Tanton - người phụ trách chính nhiệm vụ Psyche của NASA, có công lớn trong nghiên cứu cách hình thành lõi của các hành tinh.
Hiệp hội Khoáng vật học quốc tế đã phê duyệt công nhận 2 khoáng vật mới.
Giáo sư Oliver Tschauner (Đại học Nevada) cho biết 2 khoáng vật mới đều là phốt phát của sắt: “Phốt phát trong thiên thạch sắt là sản phẩm thứ cấp hình thành thông qua quá trình oxy hóa phốt pho. Hai loại phốt phát mới cho chúng ta biết về quá trình oxy hóa xảy ra trong thiên thạch. Vẫn còn phải tìm hiểu liệu quá trình oxy hóa xảy ra trong không gian hay ở Trái đất. Nhưng theo như tôi biết thì nhiều phốt phát này hình thành trong không gian. Có lẽ nước là chất phản ứng gây ra oxy hóa”.
Đội ngũ nhà khoa học vẫn đang xem xét khoáng chất mới - có khá năng xác định được một khoáng chất nữa - để tìm hiểu điều kiện hình thành thiên thạch. Họ cũng quan tâm đến tiềm năng ứng dụng chúng cho nhiều lĩnh vực khác.