Tìm ra cơ chế sửa chữa các ADN bị tổn thương một cách nhanh chóng
Các nhà nghiên cứu Technion đã tìm thấy sự tồn tại của các vị trí liên kết phụ trợ trong RecBCD, cho phép tốc độ đạt mức cao dù các phân tử ATP nằm rải rác.
Ngày 5/4, Viện Công nghệ Israel (Technion) cho biết các nhà nghiên cứu nước này đã phát hiện ra một cơ chế có khả năng sửa chữa các ADN bị tổn thương một cách nhanh chóng.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Communications, có thể giúp ích cho nỗ lực sửa chữa ADN trong tế bào người và mở rộng thêm hiểu biết về các rối loạn trong các trạng thái bệnh khác nhau.
Bộ gene - tất cả các vật chất di truyền chứa trong một cá thể sinh vật, bị đe dọa bởi nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong, vốn có thể gây ra hàng nghìn tổn thương trong mỗi tế bào hằng ngày. Một số tổn thương có thể nghiêm trọng đến mức gây ra các đột biến có hại và làm chết tế bào. Vì vậy, trong quá trình tiến hóa, tế bào sống đã phát triển các cơ chế sửa chữa tinh vi chống lại những tổn thương nguy hiểm.
Ở vi khuẩn, quá trình sửa chữa được bắt đầu bởi enzyme RecBCD - tạo thành cặp bazơ cấu tạo nên chuỗi xoắn kép của ADN trong khu vực bị tổn thương. Năng lượng cho quá trình này được chiết xuất bởi enzyme từ các phân tử ATP, mang năng lượng của tế bào.
Trong quá trình này, hơn 1.600 cặp bazơ được tháo xoắn trong 1 giây - về mặt sinh học là một tốc độ đáng kinh ngạc. Để đạt được tốc độ này, RecBCD cần đến hàng nghìn phân tử ATP mỗi giây.
Các nhà nghiên cứu Technion đã tìm thấy sự tồn tại của các vị trí liên kết phụ trợ trong RecBCD, cho phép tốc độ đạt mức cao dù các phân tử ATP nằm rải rác.
Theo Technion, các vị trí liên kết tạo ra một "đường ống" cho các phân tử ATP, dẫn "nhiên liệu" đến hai "động cơ" của RecBCD một cách hiệu quả và nhanh chóng, giúp tối ưu hóa quá trình sửa chữa các ADN bị tổn thương./.