Tìm ra manh mối về cái chết bí ẩn của thiên tài Beethoven

Phân tích ADN mới đã tìm thấy bằng chứng làm sáng tỏ cái chết của nhà soạn nhạc Beethoven.

Beethoven qua đời ngày 26.3.1827 tại Vienne (Áo) và được cho là chết vì bệnh xơ gan gây tràn dịch khoang bụng. Trước khi tẩm liệm, một số bạn bè và người hiếu kỳ đã lén nhổ vài sợi tóc của nhà soạn nhạc… để làm kỷ niệm. Không ai trong số họ nghĩ rằng chính những kỷ vật bất hợp pháp này lại giúp hậu thế biết thêm nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của nhà soạn nhạc.

Cách đây vài năm, một nhóm nhà khoa học đã phân tích mẫu tóc của Beethoven và tiết lộ "bí mật sốc" về cái chết của ông. Họ cho rằng nhà soạn nhạc đã chết vì nhiễm độc chì - một sai sót của bác sĩ riêng trong quá trình trị bệnh cho Beethoven. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã chứng minh điều ngược lại.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã giải trình tự bộ gien của Beethoven bằng cách sử dụng những lọn tóc được xác thực của ông để đưa ra câu trả lời. Họ nói rằng việc suy gan hoặc xơ gan có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Beethoven do một số yếu tố, bao gồm cả việc ông uống rượu.

Một lọn tóc của nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven - Ảnh: Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck

Một lọn tóc của nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven - Ảnh: Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck

Markus Nothen, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã xem xét các nguyên nhân di truyền có thể gây ra các triệu chứng của Beethoven bao gồm mất thính giác tiến triển, các triệu chứng về đường tiêu hóa và bệnh gan, cuối cùng dẫn đến cái chết của nhà soạn nhạc do suy gan".

Nothen cho biết, nhà soạn nhạc có "khuynh hướng di truyền mạnh đối với bệnh gan" và vi rút viêm gan B đã được phát hiện trên tóc của ông.

"Chúng tôi tin rằng căn bệnh này phát sinh từ sự tương tác giữa khuynh hướng di truyền, việc uống rượu thường xuyên và nhiễm viêm gan B đã được ghi nhận rõ ràng", Nothen nói thêm.

Đồng tác giả Johannes Krause, Giáo sư di truyền học từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) cho biết, bệnh viêm gan B "có lẽ khá phổ biến vào đầu thế kỷ 19. Ít nhất trong vài tháng trước khi qua đời, ông ấy đã bị nhiễm vi rút viêm gan B".

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Press Current Biology vào ngày 22.3 đã không thể xác định bất kỳ nguyên nhân di truyền nào gây ra tình trạng mất thính giác tiến triển khiến Beethoven bị điếc hoàn toàn vào năm 1818.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 8 lọn tóc được cho là của Beethoven và xác định rằng 5 trong số chúng "gần như chắc chắn là hàng thật", Tristan Begg, thuộc Đại học Cambridge (Anh) và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

"Bởi vì chúng tôi đã tái tạo lại bộ gien từ các đoạn DNA siêu ngắn, nên chúng tôi chỉ tự tin lập bản đồ khoảng 2/3 trong số đó", Begg nói.

Một trong những sợi tóc nổi tiếng nhất được gọi là "Hiller Lock" được phát hiện có chứa hàm lượng chì cao và từng là chủ đề của nghiên cứu trước được cho rằng không phải của Beethoven mà là của một người phụ nữ.

 Bàn piano cuối cùng của Beethoven - Ảnh: AP

Bàn piano cuối cùng của Beethoven - Ảnh: AP

Nhà soạn nhạc Beethoven đã phải chiến đấu với các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa vào nhiều thời điểm trong đời cũng như bệnh vàng da.

Begg nói: "Có những giai đoạn ông ấy bị ốm nặng không thể làm việc được, chẳng hạn như đợt ốm cấp tính kéo dài hàng tháng vào mùa xuân năm 1825".

Beethoven đã yêu cầu trong một bức thư năm 1802 gửi cho những người anh em của mình rằng các vấn đề sức khỏe của ông, đặc biệt là chứng mất thính giác, sẽ được nghiên cứu sau khi ông qua đời.

Đan Thùy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tim-ra-manh-moi-ve-cai-chet-bi-an-cua-thien-tai-beethoven-194655.html