Tìm ra quán quân Cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024
Dự án sản xuất gạch lát nền từ rác thải nhựa đoạt ngôi vị quán quân Cuộc thi 'Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp' lần thứ 5 năm 2024.
Ngày 1/10/2024, chung kết Cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần 5 - năm 2024 khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về dự án “Sản xuất gạch lát nền từ rác thải nhựa” của nhóm sinh viên Khoa Tài chính kế toán - Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.
Dự án này nhận giải thưởng trị giá 10 triệu đồng cộng với gói hỗ trợ tiền ươm tạo trị giá 40 triệu đồng, gói mentor trị giá 30 triệu đồng (trong vòng 1 năm) và giấy khen, cúp, kỷ niệm chương.
Dự án “Sản xuất gạch từ rác thải nhựa” là quá trình thu gom các loại rác thải tạo thành một sản phẩm độc đáo thân thiện với môi trường, mang đến nhiều lợi ích vượt trội so với gạch truyền thống. Giải pháp này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa góp phần xây dựng một tương lai bền vững.
Giá trị giải pháp của dự án: Giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra môi trường, giảm gánh nặng xử lý rác thải; giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu tự nhiên như đất sét, cát trong sản xuất gạch truyền thống. Đồng thời góp phần vào việc tái chế và tái sử dụng tài nguyên, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Ngoài giải quán quân, Ban tổ chức cuộc thi cũng trao hai giải nhì cho dự án: Green Future - Sản phẩm tiêu dùng từ lá cây - Tương lai xanh - Giải pháp bền vững (thuộc nhóm Khoa Công nghệ thực phẩm - Khoa Tài chính kế toán - Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh ) và Dự án OCM - thiết bị xử lý rác hữu cơ thuộc nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Hai dự án này nhận giải thưởng 8 triệu đồng cộng gói hỗ trợ tiền ươm tạo trị giá 40 triệu đồng, gói mentor trị giá 30 triệu đồng (trong vòng 1 năm) và giấy khen, kỷ niệm chương.
Trong khi đó, hai giải ba thuộc về dự án: “Sóng Xanh - Aquaponics BkyO” của nhóm sinh viên Khoa Kinh tế - Khoa kỹ thuật - Trường Đại học Giao thông Vận tải - Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh; và dự án “Ứng dụng chiết xuất lá đu đủ trong bọt rửa mặt hỗ trợ giảm mụn” thuộc nhóm sinh viên Khoa Công nghệ kỹ thật hóa học - Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Hai dự án này nhận giải thưởng 6 triệu đồng cộng gói hỗ trợ tiền ươm tạo trị giá 40 triệu đồng, gói mentor trị giá 30 triệu đồng (trong vòng 1 năm) và giấy khen, kỷ niệm chương.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cuộc thi cũng trao 6 giải khuyến khích cho các dự án: SparkHub AI - công cụ tạo bài thuyết trình toàn diện; Nano Shine - chế phẩm nano chống nấm mốc và trị mạt nhà yến; TIKERA - hệ sinh thái phát triển thương hiệu số; SP Probiotics; K Orange - phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cam sành Việt Nam; ứng dụng công nghệ AI trong quan trắc và đưa ra cảnh báo tác động của rác trên kênh rạch TP. Hồ Chí Minh. 6 giải này nhận giải thưởng 3 triệu đồng cộng gói mentor trị giá 30 triệu đồng (trong vòng 1 năm) và giấy khen, kỷ niệm chương.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải dự án tiềm năng, giải khán giả bình chọn, giải đội thuyết trình ấn tượng nhất, giải gian hàng ấn tượng nhất.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, các dự án tại vòng chung kết có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng về hình thức và nội dung, sản phẩm được trưng bày chỉnh chu, sáng tạo. Đồng thời kỳ vọng, năm nay Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm những dự án sáng tạo, khả thi để tranh tài ở cấp cao hơn. Đặc biệt, thông qua cuộc thi sẽ tìm kiếm được các nhà đầu tư để tạo điều kiện thúc đẩy các dự án khởi nghiệp có thêm nhiều cơ hội thương mại hóa để giải quyết các nhu cầu của xã hội.
Ban giám khảo cũng đã ghi nhận sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhóm, từ hình thức đến nội dung trưng bày sản phẩm. Hội đồng Giám khảo cũng đã gợi mở những yếu tố cần hoàn thiện để dự án có thể phát triển hơn nữa.
Đặc biệt, sự quan tâm từ các doanh nhân và công ty đã tạo cơ hội cho nhiều dự án nhận được "tiếp sức" và đầu tư, mở ra hướng đi mới cho việc thương mại hóa. Điều này cho thấy sự quan trọng của các cuộc thi khởi nghiệp không chỉ là nơi để sinh viên thể hiện ý tưởng mà còn là cầu nối với các nhà đầu tư, góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Theo đó, nhiều ý tưởng được đầu tư thiên thần. Đơn cử dự án “Ứng dụng chiết xuất lá đu đủ trong bọt rửa mặt hỗ trợ giảm mụn” được doanh nhân Lê Duy Đồng - Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Tầm nhìn Việt và doanh nhân Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần Sbooks đầu tư gói 300 triệu đồng (tương đương 36% cổ phần). Bên cạnh đó, hai nhà đầu tư hỗ trợ thiết bị công nghệ sản xuất và chỗ ở cùng văn phòng làm việc cho các thành viên của dự án. Ngoài ra, dự án này cũng được Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ HD Group và Công ty Cổ phần Amangon cam kết gói bảo trợ trị giá hơn 80 triệu đồng.
Chia sẻ tại cuộc thi, TS. Bùi Hồng Đăng - Phó Chủ tịch, Phụ trách Hội đồng trường - Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp được khởi xướng từ năm 2018 và duy trì tổ chức hàng năm. Năm nay, với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai xanh”, chúng tôi mong muốn tìm kiếm các ý tưởng và giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. Qua 5 lần tổ chức, cuộc thi đã dần khẳng định uy tín và vị thế trong sinh viên và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
“Các em chính là những người đã làm nên thành công của cuộc thi. Chúc mừng tất cả các em đã vượt qua những khó khăn và thử thách để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Mỗi đội thi hôm nay đều là người chiến thắng khi dám ước mơ và theo đuổi khát vọng. Dù kết quả thế nào, nhà trường sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các em trên hành trình khởi nghiệp phía trước”, TS. Bùi Hồng Đăng khẳng định.
Trước đó, Cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần 5 được phát động từ ngày 7/5/2024, đã thu hút 123 dự án, với sự tham gia của hơn 500 sinh viên và giảng viên. Đặc biệt, cuộc thi năm nay không chỉ gói gọn tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh mà còn mở rộng với sự tham gia của 27 trường cao đẳng, đại học tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Các dự án tham gia cuộc thi năm nay đa dạng như: Công nghệ thực phẩm, chế tạo sản phẩm, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp, công nghệ thông tin, giáo dục, dịch vụ, tài chính, kinh doanh…
Cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần 5 năm 2024, do Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam và các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là cuộc thi được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các bạn sinh viên vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, cũng như phát huy hết tài năng và các ý tưởng của mình.