Tìm ra 'thành phố bị thất lạc' của Đế quốc Khmer cổ
Sau nhiều năm ẩn mình giữa các tán rừng dày đặc và bom mìn còn sót lại, thành phố Mahendraparvata vừa được các nhà khoa học tìm ra vị trí chính xác.
Theo CNN, các nhà nghiên cứu vừa lần đầu công bố tìm ra "thành phố bị thất lạc" cổ xưa của Campuchia.
Các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng công nghệ quét laser từ trên không và khảo sát trên mặt đất để lập ra bản đồ thành phố Mahendraparvata, hay Núi Indra (nghĩa là vua của các vị thần).
Mahendraparvata là một trong những thủ đô đầu tiên của Đế quốc Khmer cổ. Đế quốc này tồn tại từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15 sau công nguyên.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng thành phố Mahendraparvata nằm trên cao nguyên Phnom Kulen, cách Siem Reap 48 km về phía Bắc. Chúng ta chỉ biết về thành phố này qua những hiện vật được khai quật ở khu vực khác và thật khó để tìm ra bằng chứng thành phố tồn tại ở đây.
Cao nguyên Phnom Kulen nằm ở một nơi xa xôi, không thể tiếp cận, được bao phủ bởi thảm thực vật dày đặc và có khả năng vẫn sót lại mìn do chế độ Khmer Đỏ đặt vào những năm 1970.
Qua nhiều thập kỷ không được tìm ra, Mahendraparvata đã được mệnh danh là "thành phố bị thất lạc". Giờ đây, các nhà khoa học nói rằng họ đã xác định chắc chắn vị trí của thành phố này.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chức năng quét laser từ trên không có "khả năng để nhìn xuyên qua thảm thực vật và cung cấp các mô hình có độ phân giải cao của thảm rừng", báo cáo cho biết.
Họ phải lập bản đồ khu vực hai lần riêng biệt - lần đầu tiên vào năm 2012 với diện tích khoảng 37 km2 và một lần nữa vào năm 2015 bao phủ toàn bộ dãy núi với diện tích 975 km2.
Bản đồ mô tả chi tiết vị trí của các công trình như một hồ chứa nước chưa hoàn thành xong, nhiều con đập, tường bao quanh các đền thờ và thậm chí là một cung điện.
Những khám phá này mở ra cánh cửa để tìm hiểu thêm về Đế quốc Khmer và khu vực Angkor. Bản đồ cho thấy thành phố được quy hoạch như một đô thị với "hệ thống thủy động lực tinh vi" và các phát minh khác, báo cáo cho biết.
Đặc biệt hơn, các nhà khoa học cũng phát hiện thành phố được xây dựng trên các trục gần tương ứng với các hướng chính của la bàn, như một phiên bản ban đầu của quy hoạch thành phố hiện đại.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tim-ra-thanh-pho-bi-that-lac-cua-de-quoc-khmer-co-post1003023.html