Tìm 'sâu vàng' trên đỉnh Gangkhar Puensum, Bhutan
Đông trùng hạ thảo ngày nay không còn xa lạ với nhiều người. Tuy đông trùng hạ thảo có giá rất đắt đỏ nhưng đây là món thảo dược tốt với nhiều công dụng trong việc phòng, chống, chữa trị các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong những năm gần đây, nhiều người không ngại gian nan để săn tìm đông trùng hạ thảo trong tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều người đã đầu tư nghiên cứu cấy trồng nhân tạo để kinh doanh vị thuốc này.
Đông trùng hạ thảo, loại dược liệu quý từ xa xưa được các danh y săn tìm là loại nấm ký sinh trên côn trùng có tên là Cordyceps sinensis (hoặc Ophiocordyceps sinensis) thích nghi với độ cao từ 3.000m đến 5.000m với điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhất là trên đỉnh dãy núi Himalaya, khi ký sinh trên các ấu trùng của các loài sâu thuộc chi Thiarodes được gọi là đông trùng hạ thảo.
Khi ấu trùng của các loài sâu ăn phải loại nấm ký sinh này, nấm bắt đầu ký sinh trên cơ thể của ấu trùng. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Đến khi sợi nấm phát triển mạnh, chúng xâm nhiễm vào các mô vật chủ, hoàn toàn sử dụng các chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu. Đến một giai đoạn nhất định thường là vào mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành dạng cây.
Đông trùng hạ thảo khi còn sống, người ta có thể trông rõ hình con sâu, với đuôi là một cành nhỏ, mọc lá. Khi sấy khô, nó có mùi tanh như cá, đốt lên có mùi thơm. Phần "lá" hình dạng giống ngón tay, dài khoảng 4 - 11cm do sợi nấm mọc dính liền vào đầu sâu non mà thành. Đầu sâu non giống như con tằm, dài chừng 3 - 5cm, đường kính khoảng 0,3 - 0,8cm. Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc nâu vàng với khoảng 20-30 vằn khía, vằn khía ở gần đầu nhỏ hơn. Phần đầu có màu nâu đỏ, đuôi giống như đuôi con tằm, có tất cả tám cặp chân, nhưng 4 đôi ở giữa là rõ nhất. Chất đệm nấm hình que cong mọc ra từ mình sâu non, dài hơn sâu non một chút. Sâu non dễ bẻ gãy, ruột bên trong căng đầy, màu trắng hơi vàng; chất đệm nấm khá dai và bên trong ruột hơi rỗng, có màu trắng ngà.
Nấm Cordyceps sinensis có tác dụng bảo vệ đối với tác dụng độc hại của aminoglycosid và cyclosporin A ở gan, thận đối với bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, loại nấm này còn làm tăng số lượng bạch cầu ở những bệnh nhân bị suy giảm tạo máu, cải thiện khả năng miễn dịch của bệnh nhân và có thể cân bằng trọng lượng tuyến thượng thận và trọng lượng cơ thể bằng hóa trị hoặc xạ trị.
Với nhiều công dụng rất quý, có nhiều thành phần giá trị dinh dưỡng với sức khỏe, thêm nữa việc tìm kiếm loại thảo dược này rất gian nan trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên độ cao của dãy núi Himalaya, nên mỗi năm, rất nhiều người tìm kiếm nhưng sản lượng thu hoạch chỉ vào khoảng 70kg khiến giá thành của loại dược liệu quý này rất đắt đỏ.
Trong thời điểm hiện nay, đông trùng hạ thảo rất được nhiều người biết đến là loại dược liệu quý, nhiều người không ngại bỏ ra hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng tìm kiếm loại dược liệu quý này về sử dụng. Hiện nay, đông trùng hạ thảo ở khu vực dãy núi Himalaya được xem là nơi có giá trị cao nhất và giá thành rất cao. Khu vực Tây Tạng, đông trùng hạ thảo có giá từ 700 đến 800 triệu đồng/kg, trong khi đó giá cao nhất là loại đông trùng hạ thảo ở đỉnh núi Gangkhar Puensum, Bhutan có giá từ 2 đến 2,6 tỷ đồng/kg.
Giá trị và giá thành của Đông trùng hạ thảo rất cao, tuy nhiên muốn tìm được loại đông trùng hạ thảo tự nhiên, người tìm kiếm phải đi bộ, vượt xa hàng trăm km ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ lạnh khắc nghiệt trên các đỉnh của dãy núi Himalaya.
Từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 6, khi mà khí hậu ấm lên và thảo mộc có thể nảy mầm, nhiều người bắt đầu lên núi tìm kiếm, thu hoạch đông trùng hạ thảo đem về trao đổi. Đa số công việc mua bán được thực hiện ngay trên đường phố. Để thống nhất với nhau về giá cả mà không lộ ra cho kẻ tò mò, người bán kẻ mua phải ra hiệu bằng tay giấu trong chiếc túi vải.
Đông trùng hạ thảo tự nhiên khu vực dãy núi Himalaya được xác định là nơi có chất lượng tốt nhất, việc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn, do sản lượng ngày càng giảm dần khiến giá thành tăng cao. Từ đó, nhiều vấn đề an ninh xã hội ở đây cũng ảnh hưởng theo, nhiều cuộc tranh giành đất của người dân xảy ra để tìm kiếm loại “sâu vàng” này.
Theo nghiên cứu thời gian gần đây, nấm Cordyceps sinensis cấy nuôi được nhân tạo. Thực tế trong thời gian qua, đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bắt tay vào thực hiện việc nhân nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tiêu thụ trong nước. Đã có rất nhiều thành phẩm từ đông trùng hạ thảo nhân tạo được quảng bá rộng rãi trên thị trường Việt Nam hiện nay, với các mức giá khác nhau và chất lượng khác nhau. Chất lượng khác nhau ở đây có thể do ảnh hưởng của nguồn giống (giống cordyceps militaris được đánh giá nuôi nhân tạo cho hoạt tính cao hơn cordyceps sinensis), quy trình nhân nuôi cũng ảnh hưởng do các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thành phần môi trường…
Ngoài ra, do sản lượng đông trùng hạ thảo tự nhiên ngày càng giảm, những người khu vực Tây Tạng, hay dãy núi Himalaya còn sử dụng cách tìm kiếm những loại nấm Cordyceps sinensis tốt nhất ở khu vực có độ cao 5.000 mét đem về nuôi cấy cho sản lượng nhiều hơn, chất lượng nấm tuy có giảm nhưng cũng không đáng kể và giá thành cũng cao từ 1 đến 1,7 tỷ đồng/kg. Những điều kiện nuôi trồng ở khu vực này cũng tương đối gần giống với thời tiết tự nhiên ở độ cao 5.000 mét nên việc phát triển của nấm cũng rất thuận lợi, người bản địa cũng xem đây là cách phát triển kinh tế cho chính mình.
Nhiều loại sản phẩm từ đông trùng hạ thảo cũng được các nhà đầu tư dược liệu chế biến thành những vị thuốc hay các sản phẩm bổ dưỡng, gia tăng giá trị nhu cầu cho những người tiêu dùng, góp phần thêm tính ổn định kinh tế.
Các sản phẩm nhân tạo rất nhiều, tuy nhiên chất lượng kém không bằng loại đông trùng hạ thảo tự nhiên. Vì thế, việc săn lùng loại đông trùng hạ thảo tự nhiên vẫn là cách tốt nhất để người dân bản địa khu vực dãy núi Himalaya nói riêng và những nhà kinh doanh săn tìm “sâu vàng” chỉ mong một phút đổi đời.
Nhiều cuộc tranh giành vùng đất có loại “sâu vàng” này ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến an ninh ở khu vực du mục tại dãy núi hùng vĩ Himalaya. Tuy thời điểm hiện nay, việc nuôi, cấy loại nấm này trở nên phổ biến, nhưng đông trùng hạ thảo tự nhiên, nhất là trên dãy núi Himalaya, khu vực Gangkhar Puensum, Bhutan vẫn được xem là dược liệu có giá trị nhất. Khi giá trị của loại dược liệu này càng cao, những cuộc săn đón, tìm kiếm sẽ ngày càng nóng hơn bởi chất lượng cao quý cho sức khỏe con người do thiên nhiên đem lại.