Tìm sự chuyển động ấn tượng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị phải gồng mình thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Là quãng thời gian cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh tác động tiêu cực, trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Cầu thị lắng nghe 'tiếng lòng' của DN; quyết liệt chỉ đạo khắc phục hạn chế, yếu kém; trăn trở tìm sự chuyển động ấn tượng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã, đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương rốt ráo thực hiện với khát vọng đưa tỉnh Hòa Bình trở thành điểm đến tin cậy của DN, nhà đầu tư (NĐT). Bài 1 - Nỗ lực nâng cấp môi trường đầu tư
Your browser does not support the audio element.
Năm qua, trong "giông bão" của dịch Covid-19, cùng với ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất khiến tình hình phát triển KT-XH của tỉnh không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, với sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của cộng đồng DN, trong năm đã thu hút số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh đạt cao nhất giai đoạn 2017 - 2020. Cũng là năm số dự án đi vào sản xuất, kinh doanh (SX-KD) tăng, nhiều dự án chậm triển khai, không triển khai được rà soát, thu hồi theo quy định.
Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, UBND tỉnh định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại với DN, NĐT trên địa bàn. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều cuộc làm việc với NĐT thực hiện các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh để giải quyết vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm đưa dự án đi vào SX-KD. Tỉnh đã thực hiện miễn 100% đối với các lệ phí: Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Giảm 50% mức phí phải nộp đối với phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung; phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất… Có hàng nghìn khách hàng vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được miễm giảm tiền lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Các ngành và chính quyền địa phương thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, không cơ quan nào tự ý đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, thông qua việc ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND, ngày 2/3/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2020 - 2025. Hiện, 100% DN hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện khai thuế điện tử; 100% DN hoạt động thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử với ngân hàng thương mại; 97,9% giao dịch nộp thuế hàng tháng được thực hiện bằng phương thức nộp thuế điện tử. Tỉnh đã thực hiện 100% đấu thầu qua mạng với gói thầu dưới 10 tỷ đồng và đã thực hiện một số gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng. Với kết quả này, Hòa Bình được xếp thứ 3 toàn quốc về thực hiện đấu thầu qua mạng.
"Năm 2016, tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, Tập đoàn Hồ Gươm là một trong những DN tiên phong đầu tư vào tỉnh. Khi triển khai dự án may ở huyện Tân Lạc, chúng tôi được UBND tỉnh và huyện tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính để nhà máy sớm đi vào hoạt động. Thời gian gần đây, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo hấp dẫn đối với các DN, NĐT. Riêng với Tập đoàn Hồ Gươm có 3 dự án tại tỉnh, là dự án nhà máy may Tân Lạc, nhà máy may Lạc Sơn và đầu tư dự án du lịch sinh thái ở xã Suối Hoa (Tân Lạc) nằm trong khu du lịch hồ Hòa Bình" - ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ. Được biết, khi triển khai dự án về du lịch, Tập đoàn Hồ Gươm gặp một số khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng, do chính sách thỏa thuận giá đền bù đất với người dân. Trước vướng mắc của Tập đoàn Hồ Gươm cũng như một số dự án khác, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã tổ chức một số buổi làm việc với các NĐT và trực tiếp đi kiểm tra những dự án đầu tư vào hồ Hòa Bình. Từ đó, đồng chí giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành chức năng và địa phương khẩn trương có biện pháp gỡ khó cho DN theo đúng quy định của pháp luật; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, cán bộ, công chức gây cản trở hoạt động của DN, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Đánh giá về những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh ghi nhận: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, các huyện, thành phố có sự quan tâm đặc biệt đối với phát triển của cộng đồng DN tỉnh. Không chỉ tổ chức gặp mặt, đối thoại và trực tiếp đến các DN động viên SX-KD, mà trong một năm, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về cải thiện thứ bậc PCI. Đặc biệt, 2 năm gần đây, Thanh tra tỉnh và Hiệp hội DN có sự phối hợp chặt chẽ qua việc ký kết quy chế phối hợp, đã mang lại hiệu quả tốt. Qua công tác thanh tra đôn đốc, nhắc nhở một số mặt còn hạn chế, sai sót để kịp thời uốn nắn, khắc phục, giúp DN hoạt động SX-KD tốt hơn, đúng với quy định của pháp luật. Những năm trước, trong tỉnh còn xảy ra hiện tượng bảo kê trong đấu giá đất và phát triển của một số DN. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của Hiệp hội DN, lãnh đạo tỉnh đã sát sao chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc giải quyết vấn đề. Năm qua, DN đánh giá tỉnh không có tình trạng phải trả tiền "bảo kê” cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn, về nội dung này, chúng ta đứng đầu cả nước (thứ 1/63 tỉnh, thành phố - PV).
Thời gian qua, dịch vụ hỗ trợ DN và khuyến khích DN khởi nghiệp, sáng tạo cũng luôn được chú trọng. Năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hỗ trợ áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho 30 sản phẩm; hỗ trợ xây dựng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 6 sản phẩm đặc sản của địa phương... Ngoài ra, việc cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho DN, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp và cung cấp dịch vụ công nghệ cho DN được thực hiện hiệu quả. Qua đó, chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN của tỉnh có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số PCI (vị trí 16/63).
Với những cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư, năm 2020, thu hút đầu tư vào tỉnh có sự khởi sắc. Trong tỉnh thu hút được 45 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 17.054 tỷ đồng. Số vốn này tăng gấp 3,4 lần so với năm 2019 và là năm có vốn đăng ký đầu tư cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu sự vượt bậc trong thứ hạng PCI của tỉnh với vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2019 và là thứ hạng tốt nhất tính trong 5 năm gần đây.
(Còn nữa)