Tìm thấy dấu chân người cách đây 120.000 năm ở sa mạc
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hàng trăm dấu chân hóa thạch lộ ra do xói mòn trầm tích trong quá trình khảo sát một hồ cổ ở sa mạc Nefud, thuộc Saudi Arabia.
Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Science Advances, hàng trăm dấu chân hóa thạch có niên đại 120.000 năm đã được phát hiện ở Saudi Arabia và chúng có thể chỉ ra bằng chứng sớm nhất về sự di chuyển của con người vào khu vực này, đài CNN đưa tin.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hàng trăm dấu chân hóa thạch lộ ra do xói mòn trầm tích trong quá trình khảo sát một hồ cổ ở sa mạc Nefud, thuộc Saudi Arabia.
Trong số 376 dấu vết cổ xưa được phát hiện xung quanh hồ Alathar, các chuyên gia xác định được dấu chân của nhiều loại động vật, bao gồm cả dấu chân của ngựa, lạc đà và voi. Trong đó, điều đáng chú ý nhất là dấu chân của voi, vì theo những nghiên cứu trước đây loài voi cổ đại đã tuyệt chủng ở khu vực Levant (khu vực Tây Á) khoảng 400.000 năm trước.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra bảy dấu chân của người cổ đại (hominin). Nếu điều này được xác thực, đây có thể là bằng chứng cho thấy loài người đã xuất hiện ở bán đảo Ả Rập sớm hơn những nghiên cứu trước đây.
"Chúng tôi ngay lập tức nhận ra tiềm năng của những phát hiện này. Dấu chân là một dạng bằng chứng hóa thạch độc đáo, mà qua đó chúng tôi có thể xác định được niên đại mà dấu chân này tồn tại" - ông Mathew Stewart, một trong những tác giả chính của nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái Hóa học Max Planck cho biết.
Các nhà nghiên cứu tin rằng các dấu chân này có niên đại vào thời kỳ Eemian, được biết là thời kỳ băng hà áp chót. Giai đoạn này có thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho con người và động vật bắt đầu di chuyển. Các nhà nghiên cứu cho biết các hồ sơ hóa thạch và khảo cổ học cho thấy những điều kiện này đã hỗ trợ cuộc di cư của con người từ châu Phi đến Levant.
“Chỉ sau khoảng thời gian kỷ băng cuối cùng với sự trở lại của các điều kiện mát mẻ hơn, chúng tôi mới có bằng chứng xác thực về việc người Neanderthal (một chi người cổ đại đã tuyệt chủng) di chuyển vào khu vực này. Các dấu chân này rất có thể là của nhóm người Homo hoặc Sapiens (một chi người cổ đại đã tuyệt chủng)" - ông Stewart nói.
Sau khi nghiên cứu các vết chân, các chuyên gia tin rằng mật độ dày đặc của các dấu vết cho thấy động vật tụ tập xung quanh hồ do điều kiện khô hạn và lượng nước giảm dần, trong khi con người có thể sử dụng khu vực này để lấy nước và kiếm ăn.
“Chúng tôi biết mọi người đã đến thăm hồ, nhưng việc thiếu các công cụ bằng đá hoặc bằng chứng về việc sử dụng xác động vật cho thấy rằng chuyến thăm của họ đến hồ khá là ngắn ngủi" - Stewart nói thêm.