Tìm thấy loài động vật tưởng chừng tuyệt chủng từ thập niên 1930
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã có một phát hiện mới khi tìm thấy được một loài cá quý hiếm được cho là đã tuyệt chủng sau khi không còn được ghi nhận trong hơn 8 thập kỷ.

Cá lóc Chel hay còn gọi là Channa amphibeus. Ảnh: Mạng xã hội Istagram.
Theo một báo cáo mới công bố trên tạp chí Zootaxa, lần cuối cùng người ta nhìn thấy cá lóc Chel, hay còn gọi là Channa amphibeus là từ các mẫu vật được thu thập được trong giai đoạn từ năm 1918 đến năm 1933 tại vùng Himalaya của Ấn Độ. Điều đó khiến các nhà khoa học dường như tin rằng loài cá này đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, 3 mẫu vật được thu thập vào năm 2024 và những ảnh chụp liên quan đã xác nhận rằng loài này vẫn tồn tại trong thế kỷ qua mặc dù chúng không được mọi người phát hiện ra. Các mẫu vật được tìm thấy trên bờ sông Chel ở thị trấn Kalimpong, vùng Tây Bengal sau khi các nhà nghiên cứu nhận được thông tin rằng chúng đang được một bộ tộc địa phương tiêu thụ.
Trong bài viết đăng trên Instagram, nhà sinh vật học nghiên cứu về động vật hoang dã, ông Forrest Galante cho biết: “Chúng tôi vô cùng phấn khích khi thông báo về việc tái phát hiện Channa amphibeus, một trong những loài cá lóc hiếm nhất và bí ẩn nhất thế giới! Loài này được mô tả lần đầu vào năm 1840 tại hệ thống sông Chel và lần ghi nhận cuối cùng cách đây hơn 80 năm. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm và nghiên cứu khoa học trong thời gian qua, nhưng không có thêm phát hiện nào, khiến một số người cho rằng loài này đã tuyệt chủng và góp phần củng cố vị thế huyền thoại của nó trong ngành nghiên cứu cá (ngư học)”.
Theo bài báo khoa học trên, các mẫu cá lóc Chel đã được tìm thấy trong hệ thống sông Chel - hệ sinh thái mà loài này được xem là đặc hữu. Loài cá nước ngọt này nổi bật với kích thước lớn và màu sắc rực rỡ, vảy màu xanh lá cây tươi sáng và các sọc vàng trên thân. Đây cũng là loài cá lóc có số lượng lớn nhất, theo thông tin Quỹ Động vật Hoang dã Thackeray chia sẻ - một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại Mumbai tham gia vào việc tái phát hiện loài động vật này.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook, ông Tejas Thackeray, người sáng lập Quỹ Động vật hoang dã Thackeray, cho biết: "Việc giải mã bí ẩn lâu đời này trong ngành ngư học Ấn Độ đã củng cố tầm quan trọng của việc tiếp tục khám phá và làm nổi bật sự tồn tại bền bỉ của đa dạng sinh học, ngay cả ở những loài từng được cho là đã biến mất theo thời gian".