Tìm thấy mộ anh trai sau nửa thế kỷ hy sinh
Buổi sáng tháng 7, nắng nhuốm vàng Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Hải Lăng, Quảng Trị. Chị Lê Thị Anh Lan (SN 1971, Hương Khê, Hà Tĩnh) chầm chậm bước chân giữa những hàng mộ chí. Chị bỗng khựng lại trước một tấm bia ghi tên 'Liệt sĩ Lê Quang Ngọc, SN 1954; quê quán Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh; đơn vị F320; hy sinh năm 1973'. Chị khụy xuống, hai tay ôm chặt tấm bia, như ôm những người thân yêu vào lòng. Nước mắt chị trào ra, tiếng nói trở nên đứt quãng…
Chị Lan bật khóc nức nở: “Anh ơi, em nghe chị Hoa (người chị đầu-PV) kể, lúc em được 3 ngày tuổi thì chính anh đặt tên cho em rồi lên đường nhập ngũ. Từ đó anh không một lần ghé thăm nhà, không chứng kiến em gái của mình lớn lên, cũng không thấy được bao vất vả của chị Hoa sau khi mẹ bị ốm và mất; chị Hoa vừa phải làm chị, làm mẹ nuôi mấy đứa em. Suốt nhiều năm, cả nhà cứ mong đợi anh về nhưng sao anh không trở về mà lặng lẽ nằm lại nơi này để mấy chục năm rồi, gần hết đời người rồi đứa em út của anh mới gặp”.
Những tia nắng chói chang của mùa hạ như dịu lại. Mọi người đang thăm viếng nghĩa trang, tỏa ra thắp hương trên các phần mộ đều hướng ánh nhìn về người phụ nữ, rồi mắt họ ngấn lệ, đôi bàn tay run run, tiếp tục cắm xuống những lư hương đặt trên phần đầu những ngôi mộ những nén nhang nghi ngút khói.
Trở lại câu chuyện của chị Lan, hoàn cảnh gia đình neo người, ngoài mẹ, các công việc trong gia đình, chị Hoa và anh Quang phải gánh vác. Nhưng vì căm thù giặc xâm lược, năm 1971, khi đó anh Quang mới 17 tuổi đã tình nguyện xung phong đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Đến cuối năm 1973, gia đình nhận tin dữ, anh hy sinh. Sau ngày đất nước giải phóng, gia đình chị Lan đã nhiều lần khăn gói vào các tỉnh miền Trung tìm kiếm hài cốt người thân. Tuy nhiên, do thông tin có được khá mong manh, việc tìm kiếm vì thế gặp nhiều khó khăn và không có kết quả.
Theo ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, trường hợp tình cờ tìm được người thân là liệt sĩ được chôn cất, chăm sóc chu đáo tại các NTLS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, không phải là hiếm. Nguyên nhân, địa phương có rất nhiều NTLS với hàng chục nghìn ngôi mộ được quy tập, tìm kiếm và chôn cất, biết tên và chưa xác định được tên. Thông tin về số hàng chục nghìn ngôi mộ liệt sĩ này, những năm qua ngành chức năng liên quan đã tiến hành số hóa, vừa giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ tìm kiếm được dễ dàng, vừa giúp công tác quản lý, tra cứu thông tin liên quan được khoa học. Tuy nhiên, do số lượng lớn, nhiều khó khăn, bất cập trước đây trong công tác chôn cất, xác định danh tính liệt sĩ, nên vẫn còn những trường hợp đã xác định được tên tuổi nhưng chưa kịp rà soát, bổ sung, sắp xếp để việc tra cứu, tìm kiếm được kịp thời. Về vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị tiếp tục khảo sát và khắc phục nhằm các thông tin liên quan đến liệt sĩ được chính xác và kịp thời nhất.
Tỉnh Quảng Trị đang thay mặt cả nước chăm sóc, hương khói cho hàng chục nghìn phần mộ liệt sĩ ở 72 NTLS trên toàn tỉnh. Những năm qua, công tác này đã được tiến hành rất chu đáo, trọn vẹn với người đã mất và thân các gia đình. Riêng Nhà khách 27 tháng 7, mỗi dịp 27/7 hằng năm đã đón tiếp hàng nghìn thân nhân của liệt sĩ đến đây hương khói, tìm kiếm thông tin liệt sĩ ở các nghĩa trang trên địa bàn. Tính riêng từ đầu tháng 7/2022 đến nay, đơn vị này đã đón gần 400 đoàn khách với trên 1 ngàn thân nhân liệt sĩ, trong tổng số này có hơn 80% thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với tình cảm và trách nhiệm trong công tác đền ơn đáp nghĩa với các anh hùng liệt sĩ, ngoài việc đưa đón đến thăm viếng các NTLS, đơn vị và cán bộ trực tiếp làm công tác này còn linh hoạt có những hỗ trợ kịp thời cho thân nhân khi về Quảng Trị thăm viếng liệt sĩ, giúp vơi đi phần nào mất mát.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/tim-thay-mo-anh-trai-sau-nua-the-ky-hy-sinh-i661621/