Tìm thấy phân tử hữu cơ trong mẫu vật từ tiểu hành tinh gần Trái đất
Đài CNN đưa tin các phân tử hữu cơ vừa được tìm thấy trong mẫu vật lấy từ tiểu hành tinh Ryugu gần Trái đất do tàu thăm dò Hayabusa2 của Nhật Bản mang về.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết: “Khi tiến hành phân tích mẫu thu thập từ hai vị trí khác nhau trên Ryugu, các nhà nghiên cứu tìm thấy uracil - một trong số thành phần tạo nên RNA - cũng như vitamin B3 hay niacin (đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của các sinh vật sống)”.
Uracil là hợp chất chứa nitrogen cấu tạo nên axit nucleic trong DNA và RNA, protein và phân tử chứa thông tin di truyền.
Tiểu hành tinh giàu carbon Ryugu rộng khoảng 914 mét. Hayabusa2 là tàu đầu tiên mang mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh này về Trái đất.
Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật (JAEA) thu thập mẫu từ bề mặt Ryugu vào tháng 2.2019, sau đó phóng một “viên đạn” đồng lên tiểu hành tinh để tạo ra miệng hố rộng 10 mét. Một mẫu vật khác được lấy từ miệng hố này vào tháng 7.2019. Đến tháng 12.2020, Hayabusa2 bay qua Trái đất và thả mẫu vật xuống Úc.
Ở vài lần phân tích trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện axit amin và một số phân tử khác. Uracil cùng niacin cũng từng được tìm thấy từ nhiều thiên thạch rơi xuống Trái đất.
Tuy nhiên, giáo sư Yasuhiro Oba (Đại học Hokkaido) chỉ ra phát hiện mới nhất có ý nghĩa lớn: “Các nhà khoa học trước đây đã tìm thấy hợp chất chứa nitrogen và vitamin trong một số thiên thạch giàu carbon, nhưng luôn có nghi vấn về khả năng chúng bị nhiễm bẩn rơi xuống Trái đất. Còn Hayabusa2 trực tiếp thu thập hai mẫu vật từ Ryugu rồi bọc kín đưa về, nên khả năng nhiễm bẩn bị loại bỏ”.
Hàm lượng phân tử trong hai mẫu vật khác nhau, có thể do tiếp xúc với môi trường vũ trụ khắc nghiệt. Có khả năng Ryugu từng là một phần của thiên thể lớn hơn chẳng hạn như sao chổi, bị tách ra sau va chạm.
Phát hiện mới nêu trên củng cố cho quan điểm các yếu tố hình thành sự sống bắt nguồn từ vũ trụ, được thiên thạch đưa đến Trái đất vào hàng tỷ năm trước.