Tìm văn hóa nhường nhịn giữa ban ngày
Người Việt Nam thường nói 'một sự nhịn thì chín sự lành', theo thời gian đã hình thành 'văn hóa nhường nhịn'. Tiền nhân đã dạy nhường nhịn để chung sống, nhường nhịn để không rước họa vào thân. Đó không phải là việc'thủ tiêu đấu tranh' với cái sai, mà chính là cách ứng xử cần được xây dựng, bồi đắp và thực hành trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng nay, trên nhiều lĩnh vực, hình như “văn hóa nhường nhịn” đã biến mất.
Những ngày này đường phố Thủ đô tấp nập hơn hẳn ngày thường, cho dù trước đó vẫn nườm nượp người. Cũng không có gì lạ vì năm hết tết đến người ta tranh thủ về quê, tranh thủ mua sắm, tranh thủ làm nốt những việc trong năm chưa làm xong. Người người túa ra khiến hầu hết những tuyến đường nội thành lẫn các cửa ngõ ra vào thành phố chật kín.
Trong bối cảnh ấy, thì văn hóa giao thông lẽ ra càng phải được phát huy thì trái lại, thật đáng buồn và đáng lo ngại, lại xuất hiện cảnh chen chúc, giành giật từng mét đường. Giao thông của Hà Nội vốn đã phức tạp do đó lại càng trở nên hỗn độn.
Tại khu vực đường Lê Duẩn giao với phố Khâm Thiên, mỗi khi barie kéo lại chờ tàu hỏa đi qua lập tức ùn lại hàng trăm phương tiện giao thông. Nhiều người gườm gườm không có nổi một nụ cười. Hình như họ sợ người khác lấy mất đường đi của mình nên phải “gồng mình” lên. Hơn thua nhau vài cm đường cũng không chịu, phải cố nhích mũi xe lên giành cho bằng được mới thôi.
Trên đường Nguyễn Xiển đi về mạn ngoại thành Thường Tín, do có mấy cái “lô cốt” dựng lên để sửa chữa đường, từng dòng người xe nhích từng chút một. Lắm người đảo mắt nhìn ngang nhìn dọc, nhìn trước ngó sau như chỉ sợ ai đó cướp mất đường của mình. Nhiều người mắt vằn lên, miệng thì lầm bầm không hiểu đang rủa ai.
Chỉ vì chen lấn, ùn tắc mới dẫn đến “thảm họa” đó, người ta đánh mất sự nhường nhịn lẫn nhau mà lao vào cuộc tranh giành không hay biết. Đáng nói là càng chen lấn thì nút thắt giao thông lại càng khó được gỡ. Nhưng nào ai có để ý điều đó, hãy cứ nhoi lên trước cho bằng được cái đã.
Phải chăng văn hóa giao thông đã trở thành điều gì đó xa xỉ trong cuộc sống của chúng ta? Người và xe cộ tham gia giao thông ngày một nhiều lên nhưng văn hóa trên đường thì ngày một ít đi, sự nhường nhịn, cảm thông dường như ít lại.
Để nói về việc tìm kiếm điều gì đó vô cùng khó khăn người ta thường ví với cảnh đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày. Nay thì việc đi lại trên đường nào có khó khăn gì nhưng quả là tìm được một sự nhường nhịn là quá khó. Lẽ ra, trong guồng quay chóng mặt của những ngày cuối năm rất cần một chút nhường nhịn chứ không phải là sự chen lấn, hơn thua.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đó cũng là trách nhiệm của chính quyền, của ngành giao thông. Các tuyến đường tuy đã được cải thiện ít nhiều nhưng “đến tết Công-gô” mới đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân. Các nút “thắt cổ chai” vẫn tồn tại thách thức người đi đường. Cuối năm, người đi kẻ lại nườm nượp nhưng ngành chức năng lại dựng “lô cốt” chiếm đường để sửa chữa. Ngay cả trong phố thì mặt đường, vỉa hè đang yên đang lành cũng lại bị xới lên.
Thế mới nói, cả văn hóa giao thông cũng như việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đều phải được coi trọng như nhau. Nếu không, sẽ vẫn mãi là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - câu nói cửa miệng “đùn đẩy trách nhiệm” của nhân vật ông lão Hồng trong tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng viết từ năm 1936, mà thôi .
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-van-hoa-nhuong-nhin-giua-ban-ngay-5707744.html