Tìm về cội nguồn Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long
Tại Hoàng thành Thăng Long, chuỗi hoạt động Tết sẽ diễn ra từ ngày 20/1/2025 (21 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến ngày 6/2/2025 (mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ) với nhiều nội dung đặc sắc.
Theo truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam và nhiều nước châu Á, Tết Nguyên đán luôn là dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm. Đây là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi mọi công việc tạm gác lại, các gia đình sum họp, thăm viếng người thân và cùng nhau đón chào một năm mới với những điều tốt đẹp.
Đặc biệt tại mảnh đất kinh đô Thăng Long xưa, với hơn một nghìn năm văn hiến kéo dài liên tục từ các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Lê Trung hưng cho đến thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa Tết là sự kết tinh độc đáo giữa nét đẹp dân gian truyền thống và văn hóa cung đình. Để phát huy những giá trị văn hóa tinh hoa ấy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình Tết Việt để chào đón xuân Ất Tỵ 2025.
Chuỗi hoạt động Tết sẽ diễn ra từ ngày 20/1/2025 (21 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến ngày 6/2/2025 (mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ) với nhiều nội dung đặc sắc. Điểm nhấn là không gian trưng bày "Tết xưa - Tết thời bao cấp", tái hiện một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Dù còn thiếu thốn về vật chất nhưng Tết thời bao cấp luôn đầy ắp tình người và thiêng liêng. Không gian trưng bày được chia thành ba khu vực: Gian hàng Mậu dịch quốc doanh, Gian hàng tranh - hoa - pháo Tết và Không gian thờ cúng.
Bên cạnh đó, chương trình còn giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" với các nghi thức truyền thống như Lễ tiến lịch, Lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo, Lễ dựng Nêu và Lễ đổi gác. Đặc biệt, nghi lễ Khai xuân sẽ được tổ chức vào ngày Mùng 9 tháng Giêng với nghi thức dâng hương trang trọng, hướng về cội nguồn, tri ân công đức các bậc tiền đế và tôn vinh giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Trong dịp Tết Nguyên đán, du khách còn có cơ hội thưởng thức các chương trình múa rối nước đặc sắc vào các ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 và mùng 5 Tết. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cũng được trang trí với nhiều không gian hoa, cây cảnh đặc sắc phục vụ khách tham quan.
Chương trình Tết Việt 2025 không chỉ là dịp để người dân và du khách tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để các thế hệ hôm nay được trải nghiệm, cảm nhận không khí Tết cổ truyền trong không gian di sản nghìn năm của Hoàng thành Thăng Long.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tim-ve-coi-nguon-tet-viet-tai-hoang-thanh-thang-long-183492.html