Tìm về làng trồng dược liệu 'tiến vua' nức tiếng
Làng Nghĩa Trai (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề trồng và chế biến dược liệu, đặc biệt là từ loài hoa kim cúc. Những ngày cuối năm, kim cúc hay còn gọi là cúc chi (cúc tiến vua) đang vào chính vụ, khắp nẻo đường rộn ràng một mùa cúc cuối năm đầy hoài niệm.
Làng có nghề y danh bất hư truyền
Về thăm Nghĩa Trai đúng vào vụ hoa cúc “tiến vua” cuối năm, những sân đình, sân nhà văn hóa và những khoảng sân trước nhà trong thôn như được trải thảm vàng bởi những bông hoa cúc chi phơi dưới nắng. Ngôi làng thâm trầm nép mình giữa những biến chuyển của đời sống hiện đại, duy chỉ nghề cổ truyền của thôn vẫn giữ gìn suốt hàng trăm năm.
Người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống lịch sử của làng Nghĩa Trai bởi lẽ sẽ không có ngôi làng nào trên đất nước mình lại nổi tiếng nhiều đời với nghề dược liệu và làm thuốc. Mà mỗi người dân trong làng coi nó như cái nghiệp, ăn sâu vào máu xương của họ, bám lấy nghề cổ vừa phát triển kinh tế, vừa chữa bệnh cứu người.
Chứng tích của truyền thống này được thể hiện trên hai câu đối của làng, hiện còn ở trước cửa hậu cung đình làng. Hai câu đối mà gần như bất cứ người con Nghĩa Trai nào cũng khắc ghi ấy là: “Thần bút án tiền dân khoa bảng - Thánh y truyền hậu thế lưu danh”. Lời căn dặn của cha ông với dân làng còn có hàm ý rằng, dù trong hoàn cảnh nào, dân làng cũng phải giữ được nghề cao quý ấy.
Theo thần tích của làng, tương truyền, vào khoảng năm 1572, có 3 vị tướng đời Vua Lý Thánh Tông, sau khi giúp Vua đánh thắng giặc Chiêm Thành đã về Nghĩa Trai giúp dân khai hóa đất hoang, trồng cây thuốc và hành nghề y “cứu nhân độ thế”. Dân làng đã lập đền thờ, tôn các ông làm Thành hoàng làng và thờ phụng đến ngày nay. Cũng từ đó, làng được mệnh danh làng dược liệu, đặc biệt có những cây thuốc chỉ Nghĩa Trai mới có để tiến vào cung vua.
Ở Nghĩa Trai, cũng rành nghề làm thuốc, bốc thuốc, chữa bệnh bằng thuốc nam. Theo người dân trong làng, họ tự hào vì nghề thuốc được duy trì hàng trăm năm nay. Đời này qua đời khác, người Nghĩa Trai vẫn giữ những nỗi niềm, mong mỏi của tiền nhân về việc duy trì nghề cổ truyền của làng. Vậy nên, khắp đầu làng đến cuối xóm, nhà ai cũng thơm mùi thuốc. Cả làng có gần 100 người làm nghề thuốc và con cháu họ mang nghề này đi khắp trong Nam ngoài Bắc.
Dù mang thuốc đi tứ xứ, nhưng người dân nơi đây luôn ghi nhớ về cội nguồn bằng cách đặt tên cửa hiệu với chữ “nghĩa” đứng đầu. Chữ “nghĩa” trong tên làng và chữ “nghĩa” cũng là một trong những cái đức của người dân làng thuốc và nghĩa tình làng xóm. Nếu ai ra phố Lãn Ông, phố Hàng Vải (Hà Nội) mà thấy cửa hiệu nào có chữ “nghĩa” đứng đầu, đó là hiệu thuốc của người làng Nghĩa Trai.
Vốn quen cái nghề làm thuốc, nên ai trong làng cũng tường tận việc phân biệt cây dược liệu, quá trình làm thuốc hay cả kê đơn bốc thuốc từ người già đến trẻ nhỏ. Các thầy thuốc nơi đây vốn nổi tiếng “mát tay”, trị trăm thứ bệnh dân gian từ nhẹ như đau đầu, nhức xương đến nan y. Một phần vì làng có nghề y lâu đời, phần vì chính không khí trong làng, không chút khói bụi, ồn ào đã vun đắp lên những ruộng dược liệu chất lượng tốt để người dân hành nghề.
Nghề bốc thuốc chữa bệnh của làng đã qua bao thế hệ mà không bị mai một, hơn nữa người dân ý thức được việc chuyên nghiệp hóa bằng việc xin giấy phép, đi học thêm về đông y tại các trường cao đẳng, đại học về y dược.
Tìm loại “cúc tiến vua” nức tiếng
Về Nghĩa Trai vào mùa thu hoạch cúc, chúng ta như lạc vào biển vàng màu hoa, hòa vào hương thơm thuốc, của hoa bao phủ quanh làng. Chỉ hít hơi nhẹ thôi cũng khiến người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu vì sự trong lành, thư giãn của hương thơm ấy. Và trên những cánh đồng vàng rực rỡ dưới nắng cuối năm, từ già đến trẻ, họ lại rộn ràng đi thu hoạch “cúc tiến vua”.
Cúc chi (kim cúc) được người xưa gọi cúc tiến vua vì là loại thảo dược đặc biệt chỉ Nghĩa Trai trồng để tiến vào cung. Người dân kể lại trước đây làng chỉ được trồng số lượng ít, có bao nhiêu “tiến vua” bấy nhiêu, người dân thường không được dùng. Ngày nay, khi đời sống hiện đại nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người ngày một nâng cao thì cúc lại được trồng trên quy mô rộng để phát triển kinh tế. Và có điều lạ lùng, hoa cúc chi rất hợp đất Nghĩa Trai, càng trồng chất lượng càng tốt và dồi dào.
Hoa cúc “tiến vua” sau khi hái sẽ được đem phơi khô. Vào vụ hoa, những sân đình, sân nhà văn hóa và những khoảng sân trước nhà những hộ dân ở thôn đều tận dụng để phơi loại hoa đặc biệt. Vậy nên, ai đến Nghĩa Trai cũng ấn tượng như bước đi trên những thảm vàng thích mắt.
Để hoa cúc làm trà, thuốc là kỳ công của người trồng, chế biến. Người dân phải đi hái từng bông, về phơi khô hong nắng, sau đó đóng gói và bao kín lại để bảo quản và sử dụng lâu dài. Ngoài phơi khô dưới nắng tự nhiên, một số hộ còn đưa hoa cúc vào lò sấy bằng than hoặc bằng củi. Sấy xong, hoa cúc được để tại nơi thoáng gió cho đến khi bay hết hơi nóng thì người dân cho vào bao ni-lông bọc kín lại để chống ẩm, chống mốc. Nếu như được sấy khô và bảo quản tốt, hoa cúc chi có thể giữ màu, giữ vị đến vài năm. Một số hộ xuất luôn cho các công ty sản xuất thuốc, mỹ phẩm họ chế biến thành các loại thuốc, kem dưỡng…
Theo kinh nghiệm của dân trong làng, hoa cúc chi có chất lượng tốt nhất khi vừa nở, không còn nụ và cũng chưa kịp tàn. Mỗi dịp thu hoạch chia làm hai đợt cách nhau khoảng một tháng. Anh Hoàng Hải (chủ một ruộng trồng cúc) chia sẻ: “Trung bình mỗi sào hoa cúc có thể thu được khoảng 450kg hoa tươi, sau khi sấy khô còn khoảng 70kg. Do đặc thù cánh hoa mảnh, cành giòn nên phải tập trung thu hoạch và hái cực kỳ cẩn thận. Công việc không quá vất vả nhưng phải kiên trì, tỉ mỉ đặc biệt lúc nào cũng phải cười vui vẻ”.
Giải thích cho điều đặc biệt này, ai cũng chia sẻ rằng việc hái cúc giống như thể hiện tinh thần người làm, nếu chúng ta vui vẻ hiệu quả tốt, cúc cũng tươi hơn. Vì vậy, trên cánh đồng không khi nào ngớt tiếng cười nói. Mùa thu hoạch, ngón tay ai cũng thơm mùi hoa cúc, mái tóc ai cũng vương mùi hoa cúc... cả làng luôn thơm mùi cúc.
“Khấm khá” nhờ hoa cúc
Cụ Sâm (86 tuổi), nhà có truyền thống nhiều đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh ở thôn Nghĩa Trai cho biết, nhà cụ có 3 sào hoa, mỗi năm thu hoạch được hàng tấn hoa tươi, tương đương khoảng 5 tạ hoa khô cho thu nhập cả trăm triệu đồng cho mỗi vụ. Ngoài nghề bốc thuốc, thu nhập từ hoa cúc khiến cuộc sống người dân nơi đây ngày một “khấm khá”.
Anh Hoàng Hải có 6 sào trồng cúc, anh cho biết giá bán hoa sấy sạch tại thôn Nghĩa Trai khoảng 400.000 – 600.000đ/kg. Chỉ cần mua 1kg hoa cúc khô là dùng được cả năm. Một gia đình trồng 3 sào hoa, từ tháng 6 - 12, mỗi năm cũng cho thu hoạch ngót trăm triệu đồng.
Đời sống người dân ngày một khấm khá, hơn nữa chính vì vậy sức khỏe người ở làng ai cũng tốt, nên bà con cũng phấn khởi, vui tươi. Vậy là cứ đến mùa cúc, người ta đổ về Nghĩa Trai làm thời vụ thu hoạch cúc mùa, ai cũng phấn khởi, vui vẻ dù thân hay sơ. Dân quanh vùng hay bảo nhau, người Nghĩa Trai chỉ hít cúc thôi cũng sống khỏe, sống thọ.
Không chỉ làm giàu cho quê hương, việc trồng cúc cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ngoài địa phương, đặc biệt người già và trẻ em. Vì công việc hái cúc vốn dĩ không nặng nhọc hoặc đòi hỏi trình độ của người làm nên nhiều bà con đều tranh thủ vụ mùa sang làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Trò chuyện với chị Hà Thị Ly (người Sơn La), chị là công nhân tái chế nhựa làng bên, tuy nhiên vào dịp cuối năm chị sang Nghĩa Trai hái thuê vì ở đây làm việc nhẹ nhàng hơn và đặc biệt không khí trong làng. Mỗi ngày công chăm chỉ chị được trả từ 250.000 -300.000 đồng, công việc dễ chịu hơn nhiều so với thường ngày chị làm xưởng tái chế rác.
Những năm gần đây, rất nhiều bạn trẻ, du khách nơi xa tìm về Nghĩa Trai để ngắm nhìn nhưng ruộng cúc vàng rực và tìm hiểu nghề làm thuốc nơi đây. Giờ Nghĩa Trai cũng trở thành một địa chỉ du lịch.